"Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh" hay: "Hiểu biết để Tự tin để Làm giàu cuộc sống"

Phong trào Con đường Việt Nam

Ngày     tháng    năm 2012

NÔNG DÂN VÀ QUYỀN CÔNG DÂN

(Bản dự thảo, chưa công bố chính thức. Xin góp ý)

    Thưa bà con nông dân !
Với hơn 70% dân số, nông dân chúng ta chiếm đa số áp đảo nhưng lại là một thành phần phải gánh chịu thiệt thòi nhiều nhất trong xã hội, trong quá trình phát triển của đất nước và trong suốt cả một chiều dài lịch sử hàng nghìn năm. Tuyệt đại đa số những người lính đã đổ xương máu trong những cuộc chiến chống ngoại xâm nếu không phải là nông dân thì còn có thể là ai khác? Rồi cả những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực, ngoài nông dân luôn bị lợi dụng để cầm vũ khí với những lời hứa hẹn về một tương lai tươi sáng cho mình và con cháu. Thế nhưng sự lam lũ vẫn đeo bám nông dân Việt Nam cả ngàn năm nay như một định mệnh không thể thay đổi.
Tại sao vậy thưa bà con? Vì chúng ta không cố gắng và lười biếng? Chắc chắn không phải vậy. Sự cần cù chịu thương chịu khó của người nông dân Việt Nam phải được xếp hàng đầu trên thế giới này. Vì đó là số phận không thể tránh được dành cho những người nông dân? Càng không phải như thế vì chẳng có một thứ số phận nào vô lí như vậy cả và hãy nhìn vào nông dân ở những nước dân chủ đi: họ giàu có, được tôn trọng và văn minh như thế nào, tiếng nói của họ được chính phủ lắng nghe và thực hiện nghiêm túc như thế nào cho dù họ chỉ là thành phần thiểu số.
Vì sao ở những nước công nghiệp hiện đại như Mỹ, Nhật và nhiều nước châu Âu chúng ta thường xuyên nghe rằng chính phủ của họ vẫn quyết liệt bảo hộ cho những người nông dân của mình trong những đàm phán về các hiệp định mậu dịch toàn cầu trong khi thu nhập từ nông nghiệp của họ chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ so với công nghiệp và dịch vụ? Vì lực lượng nông dân của họ yếu đuối  và mong manh dưới sức tấn công cạnh tranh của toàn cầu hóa? Không hẳn vậy. Nông thôn của họ được ưu tiên bảo vệ vì đó là những nơi gìn giữ tốt nhất những truyền thống, bản sắc, văn hóa dân tộc để tạo cho những giá trị này một sức sống đủ mạnh để thẩm thấu vào, lan tỏa ra và giao thoa với các luồng văn hóa lạ đổ về từ khắp ngõ ngách trên thế giới, từ đó tạo nên các trào lưu văn hóa mới ở các đô thị. Các trào lưu này tuy mới lạ nhưng luôn chứa đựng sự tương tác tích cực giữa cũ và mới để tạo ra những giá trị phát triển mà vừa không đánh mất cái cũ truyền thống vừa tiếp thu được cái mới hiện đại. Do một vai trò quan trọng như vậy mà chính phủ ở các nước nói trên nhiều lúc phải chấp nhận trả những giá đắt để bảo hộ nông nghiệp để nông dân họ duy trì được những nông thôn giữ gìn nguồn cội. Có lí do gì mà nông dân Việt Nam ta lại không được như vậy?
Ngay cả ở những nước chưa phát triển được như thế, chúng ta có nghe nói rằng nông dân ở đó bị buộc chuyển nhượng đất đai mưu sinh của mình cho những mục đích mà mình không mong muốn, với những cái giá mà mình phải chịu quá nhiều thiệt thòi không? Rồi từ những người là chủ trên mảnh đất mình canh tác họ bất đắc dĩ trở thành những người làm thuê không có chuyên môn nên phải tăng số giờ làm một ngày lên nhiều lần để mới có được thu nhập tương đương khi còn làm nông, đến mức không còn thời gian để lo cho gia đình, để tái tạo sức lao động chứ đừng nói là để học hành mà vươn lên đổi đời. Nhưng xét cho cùng họ bị như vậy là do người khác hay là bởi chính mình?
Người nông dân, trải qua hàng mấy ngàn năm phong kiến trên thế giới, đã luôn luôn là lực lượng số đông tạo ra sức mạnh cách mạng mang tính quyết định cho những sự thay đổi lịch sử. Tuy nhiên đó chỉ là những sự thay đổi triều đại của giới thống trị. Những người nông dân đã hi sinh để giúp cho giới này tạo ra sự thay đổi nhưng lại không thay đổi chính mình, để cuối cùng họ vẫn tiếp tục chấp nhận là những người bị trị cầu mong sự ban phát lòng tốt của kẻ thống trị. Họ đổ xương máu để chiến đấu cho những học thuyết “thiên mệnh”, cho những sự áp đặt vai trò lãnh đạo cầm quyền bởi “tất yếu của lịch sử”, cho những kẻ tự xưng mình là “con trời” để huyễn hoặc họ và cuối cùng là chà đạp họ. Trong quá trình đó họ chưa bao giờ thực sự đấu tranh cho bản thân mình cả. Thay vào đó là những khẩu hiệu, lý tưởng rất trừu tượng và chung chung để tạo ảo giác về một tương lai hứa hẹn có họ ở đó. Đến khi nhận ra mình bị lừa bởi các chủ thuyết “trời ơi” đó thì đã qua muộn, rồi lại trông chờ vào những sự thay đổi chế độ, triều đại khác.
Nếu chúng ta không tự thay đổi chính mình thì sẽ không có những sự thay đổi tốt đẹp nào cho chúng ta được mang đến từ người khác. Mà chỉ có sự thay đổi căn bản trong nhận thức của chúng ta về quyền tự do của mình, quyền làm chủ đất nước của mình và quyền làm chủ vận mệnh của chính mình thì chúng ta mới tạo ra được sự thay đổi tận gốc cái căn nguyên của số phận đen đủi đã đeo bám ta qua bao thế hệ. Chúng ta phải đấu tranh vì các quyền đó – gọi chung là Quyền Con người hay Quyền Công dân – của mình phải được tôn trọng và bảo vệ trên hết và bình đẳng, chứ không vì bất kì một chủ thuyết hay tư tưởng chủ nghĩa hoặc chế độ nào. Chỉ có như vậy chúng ta mới buộc được bất kì một ai hay một đảng phái chính trị nào phải vì quyền lợi của chúng ta mà phục vụ cho dù là chỉ có một đảng cầm quyền liên tục hay nhiều đảng đi nữa. Nếu chúng ta không làm được như vậy thì mọi sự thay đổi, kể cả thay đổi chế độ chính trị, cũng chỉ là bình mới rượụ cũ mà ở đó cho dù có hàng trăm đảng phái chính trị đi nữa thì lá phiếu của chúng ta cũng chỉ bị lợi dụng để hợp thức hóa cho sự thống trị của họ nhằm phục vụ luân phiên cho quyền lợi của họ mà thôi.
Chỉ có lúc đó chúng ta mới đòi hỏi được các chính sách đầu tư phát triển đất nước phải nhằm vào phục vụ cho nông nghiệp – lĩnh vực của tuyệt đại đa số dân chúng, chứ không phải hi sinh quyền lợi của nông dân để lấy đất đầu tư phát triển những ngành công nghiệp mà chẳng tạo ra được lợi ích gì đáng kể cho người nông dân. Đến khi mọi người nhận ra rằng các ngành công nghiệp đó đã thất bại và chúng chỉ là ăn xổi ở thì và chỉ phục vụ quyền lợi cho một nhóm nhỏ thì bờ xôi ruộng mật đã không còn, người nông dân mất đất thì trở thành công nhân thất nghiệp, trắng tay và không có phúc lợi xã hội.
Chỉ khi nào chúng ta sử dụng được trọn vẹn quyền công dân của mình thì bất cứ chính quyền nào cũng phải lắng nghe nguyện vọng và thực hiện mệnh lệnh của của người dân chúng ta. Chỉ khi đó chúng ta mới buộc được chính quyền sử dụng các nguồn vốn đầu tư của quốc gia, bao gồm cả những khoản vay nợ mà con cháu chúng ta sau này phải trả, để đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp cho hơn 60 triệu nông dân Việt Nam có thể tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công việc và lợi nhuận cho mình, tăng chất lượng giáo dục và cơ hội học hành, và để không phải năm nào cũng phải chạy lũ rồi trông chờ sự cứu trợ mà có khi là trong tuyệt vọng. Và chỉ khi đó thì đất nước này mới có thể phát triển tốt đẹp, bền vững được mà thôi.
Sự phát triển sẽ không bao giờ tốt đẹp được và sẽ luôn bất ổn như hiện nay nếu nó không dựa trên nền tảng phát triển của 60 triệu nông dân chúng ta. Chỉ có sự hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam mới có thể tạo ra sự công nghiệp hóa hiệu quả cho đất nước này mà thôi. Mơ ước công nghiệp hóa để thay thế nông nghiệp đã cho thấy sự thất bại và hậu quả như ngày nay. Đất nước lấy đâu ra nguồn nhân lực cho những nền công nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng lớn trong khi tuyệt đại đa số nhân lực là ở nông thôn và không có được những cơ hội tối thiểu và công bằng để học tập, đầu tư vươn lên? Chúng ta hãy biết rằng cuộc canh tân Minh Trị vĩ đại hồi giữa thế kỷ 19  đã đưa nước Nhật trở thành cường quốc trong 30 năm thì 10 năm đầu tiên là tập trung phát triển hiện đại hóa nông nghiệp. Nhờ vậy họ mới có nền tảng để phát triển công nghiệp nhẹ trong 10 năm tiếp theo. Và 10 năm cuối cùng là công nghiệp nặng. Đó là sự phát triển thần kì nhưng không phải là sự đi tắt đón đầu.
Từ lúc đất nước gia nhập WTO đến nay, lực lượng sản xuất kinh doanh có thể chứng tỏ được khả năng cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam lại chính là nông dân chứ không phải của các ngành công nghiệp dịch vụ được nhà nước bảo hộ. Nhờ khả năng này mà nông dân đã giúp đất nước chống chọi được phần nào tác động của khủng hoảng kinh tế trong khi bao nhiêu ngành công nghiệp được hưởng đặc quyền thì ngã lăn ra đè gánh nặng cho cả nền kinh tế và 86 triệu người dân. Thế nhưng với những công trạng như vậy mà người nông dân chúng ta lại đang là thành phần đang gánh chịu hậu quả của những sai lầm chính sách nặng nề nhất. Ngay khi gia nhập WTO nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã bị đẩy ngay ra tiền phương để cạnh tranh toàn cầu mà chưa hề được đầu tư chuẩn bị để đổi lấy sự bảo hộ cho hàng loạt ngành công nghiệp, dịch vụ mà giờ đây chỉ còn lay lắt và sẽ không thể tránh được phá sản sụp đổ. Thế nhưng đã có ai lên tiếng và bảo vệ cho nông dân trước những bất công như vậy?
Sẽ không có những tiếng nói như vậy nếu chính nông dân chúng ta không tự lên tiếng cho mình. Hãy đừng trông đợi vào ai khác mà hãy tự mình đòi cho bằng được quyền con người – quyền công dân của mình để làm chủ chính mình và đất nước. Hãy cũng đừng để ai lãnh đạo mình hay tôn sùng và khúm núm trước lãnh đạo nào. Chúng ta là những người chủ của đất nước, những mong muốn để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta, cho tương lai của chúng ta cho dù là nhỏ nhặt đi nữa thì đều là mệnh lệnh đối với bất kì ai, bất kì tổ chức nào muốn được trao quyền để lãnh đạo đất nước. Đừng nghĩ rằng những yêu cầu đó của chúng ta là quá nhỏ bé trước trách nhiệm quá to lớn của lãnh đạo đối với quốc gia mà e dè không dám nói ra, vì trách nhiệm lớn lao nhất của sự lãnh đạo một đất nước là làm sao để người dân có thể đáp ứng được những nhu cầu nhỏ nhặt nhất của mình. Không có sự vĩ đại to tát nào mà không bắt đầu từ những cái nhỏ nhất cả.
Hỡi quý bà con nông dân thân mến!
Chúng ta hãy cùng nhau nói lên yêu cầu của mình. Hãy hưởng ứng Phong trào Con đường Việt Nam và hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới để biến những yêu cầu của chúng ta thành những mệnh lệnh đối với Nhà nước pháp quyền được hiến định là “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân” nhằm thay đổi tốt đẹp cuộc sống của mình và tương lai con cháu.
Rất mong nhận được sự hưởng ứng của quý bà con.
Trân trọng kính chào !

Phong trào Con đường Việt Nam

Xem Lời phát động phong trào Con đường Việt Nam tại đây.

Xem LỜI KÊU GỌI CHẤN HƯNG VIỆT NAM VÌ HÒA BÌNH THẾ GIỚI tại đây.

“Ý kiến góp ý xin gửi đến email: tpvn.email@gmail.comcdvn.email@gmail.com

Bình luận về bài viết này