"Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh" hay: "Hiểu biết để Tự tin để Làm giàu cuộc sống"

Thông báo

Phong trào Con Đường Việt Nam đã chính thức hoạt động tại địa chỉ website:

http://www.conduongvietnam.org , kể từ ngày 05 tháng 07 năm 2012.

Thay mặt cho những người sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các bạn – những người đã quan tâm và đóng góp ý kiến cho Bản thảo của Phong trào trong thời gian vừa qua. Với tinh thần cầu thị, chúng tôi đang tiến hành chỉnh sửa, hoàn thiện mục tiêu, cương lĩnh hành động của phong trào theo đúng với mong muốn của đa số mọi người và đưa phong trào chính thức hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Đại diện cho những người sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam,

Lê Thăng Long

Phong trào Con đường Việt Nam

THƯ GIẢI TRÌNH CỦA LÊ THĂNG LONG VỀ BẢN THÂN VÀ PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM

            Thưa quý vị và các bạn !

Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn những người đã ủng hộ Phong trào Con đường Việt Nam rất nhiều. Các bạn đã giúp cho những hạt giống đầu tiên của Phong trào nảy mầm. Nhưng tôi cũng thật lòng cảm ơn những người đã chỉ trích những thiếu sót của cá nhân tôi và việc điều hành hoạt động của Phong trào trong 10 ngày vừa qua. Quý vị đã giúp điều chỉnh các yếu kém để những mầm sống đầu tiên của Phong trào có được một môi trường phát triển tốt đẹp.

Mấy ngày qua có nhiều người gửi mail đến động viên an ủi tôi, nói tôi đừng buồn trước những mặt trái của dân chủ. Nhưng tôi nói thật là tôi cảm thấy vui vì lần đầu tiên tôi được tham gia các hoạt động chính trị – xã hội một cách dân chủ như vậy. Tôi cũng không xem những chỉ trích gay gắt đối với cá nhân mình trước công luận là mặt trái của dân chủ. Tôi thấy rằng sự khen chê, ủng hộ hay phản đối là một sự tồn tại cần thiết trong một xã hội dân chủ để giúp con người tự điều chỉnh mình đến một trạng thái cân bằng tốt hơn. Cho dù là có nhiều những ý kiến cả khen lẫn chê đều chưa chính xác, nhưng trách nhiệm này đối với tình trạng này thuộc về những đối tượng mà công chúng hướng đến. Nếu những đối tượng này cung cấp đủ thông tin cho công chúng thì sẽ giảm thiểu những ý kiến thiếu chính xác. Do vậy tôi nhận trách nhiệm về các vấn đề gây ra bởi việc thiếu thông tin liên quan đến việc phát động Phong trào Con đường Việt Nam. Nên tôi viết thư này giải trình trước công luận.

Thứ nhất, về tư cách đại diện cho anh Trần Huỳnh Duy Thức và anh Lê Công Định đứng tên phát động Phong trào. Tôi xin khẳng định lại trước công chúng rằng cả ba anh em chúng tôi Thức – Long – Định đã thống nhất hình thành nên một Phong trào mang tên “Con đường Việt Nam” từ cuối năm 2008 đến trước khi bị bắt vào tháng 05,06 năm 2009, chúng tôi đã chuẩn bị được rất nhiều tài liệu cho Phong trào. Ngày 11/05/2010, tại phiên tòa phúc thẩm, đến trước phần bào chữa của luật sư tôi vẫn khẳng định mình vô tội. Trong lúc đó, đánh giá tình hình thì chúng tôi thấy rằng việc kháng án giảm bớt số năm tù của anh Định không có khả năng gì đạt được. Trong lúc các luật sư đang bào chữa thì anh Định nói với tôi và anh Thức rằng nên “xin khoan hồng” để rút ngắn thời gian tù nhằm sớm đưa Phong trào Con đường Việt Nam vào hoạt động. Anh Thức cũng đồng ý và khuyên tôi hãy cố gắng chịu đựng. Khi đến phiên tự bào chữa của tôi, thẩm phán hỏi tôi có nhận thấy tội của mình và xin khoan hồng không. Tôi đã trả lời là “tôi nhận lỗi thiếu sót và xin khoan hồng”. Trong giờ giải lao chờ nghị án, anh Thức và anh Định động viên tôi hãy nhẫn nhịn trong thời gian ở tù để tiếp tục được giảm án để có thể đưa Phong trào ra hoạt động sớm nhất. Đây thật sự là một sự chịu đựng không dễ dàng.

Sau phiên xử, chờ gần 02 tháng, vào ngày 07/07/2010 cả ba chúng tôi bị đưa đi thụ án tại phân trại số 01, Trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai. Chúng tôi ở chung một buồng trong một khu riêng biệt. Chúng tôi đã có hơn một tháng trước khi anh Định chuyển về Trại giam Chí Hòa (vào ngày 10/08/2010) để trao đổi về việc tôi sẽ phát động Phong trào thay mặt cho hai người còn lại. Tôi và anh Định phải cố gắng để ra tù sớm nhất dù phải ở trong nước hay nước ngoài. Có  ý kiến cho rằng sao tôi không có giấy viết tay ủy quyền của anh Thức và anh Định. Xin thưa rằng giấy tờ ra vào trại giam đều bị kiểm soát gắt gao, mà nếu những giấy ủy quyền ấy bị phát hiện thì làm sao Phong trào có thể ra đời được nữa. Sự thật sẽ luôn là sự thật và tôi tin sự thành thật của tôi sẽ được chứng thực. Rất may là mới đây bác Trần Văn Huỳnh đã chính thức khẳng định đúng điều này.

Cũng có ý kiến hỏi tôi rằng việc tôi phát động Phong trào  như thế có làm ảnh hưởng đến việc ra tù sớm của anh Định và anh Thức không. Xin khẳng định là việc ra đời được Phong trào là ưu tiên số một của cả ba anh em chúng tôi nên không ai tính toán đến việc ảnh hưởng đến thời hạn tù. Nhưng tôi tin rằng việc làm cho Phong trào lớn mạnh sẽ góp phần đưa hai người bạn chí cốt của tôi sớm trở về trong vinh quang. Chúng tôi không chỉ cùng phấn đấu chung cho một mục đích mà còn chia sẻ nhau từng chén cơm manh áo trong tù. Do vậy tôi cũng sẽ cố gắng bằng mọi cách để các anh về sớm.

Thứ hai là việc tôi công khai danh sách những người được mời tham gia sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam . Trước hết tôi xin nói rõ nguyên tắc đầu tiên trong tôn chỉ của Phong trào CÔNG KHAI. Công khai không chỉ là một yêu cầu bắt buộc của các hoạt động dân chủ mà còn là cách để bảo vệ sự an toàn cho những người tham gia sáng lập Phong trào . Công khai không chỉ là cách để công chúng giám sát các hoạt động chính trị, xã hội mà còn là môi trường để những người tham gia các hoạt động đó tự điều chỉnh mình một cách tốt nhất.

Đã một lần trải qua bị điều tra trong một vụ án an ninh quốc gia, tôi thấu rõ những nguy hại của việc sử dụng quyền bảo vệ sự riêng tư của công dân được Hiến pháp bảo vệ. Việc này đã bị biến thành những chứng cứ và lý luận quy là chúng tôi có hoạt động bí mật với mưu đồ đen tối. Đã có rất nhiều người chẳng liên quan gì đến hoạt động của chúng tôi đã bị mời thẩm vấn liên tục chỉ vì chúng tôi có nhắc đến họ khi trao đổi với nhau. Trong đó đã có những lời khai không đúng sự thật mà tôi nghĩ là do sức ép hoặc do sợ. Khi bị thẩm vấn người ta sẽ bị nghe nói rằng người này đã nói thế này, người kia đã nói thế khác mà không hề biết được có đúng là có người đã nói như vậy hay không. Nhiều lúc cũng vì muốn yên thân mà họ đã phải chấp nhận những lời khai không đúng. Do vậy, nếu lần này tôi gửi thư riêng rẽ đến từng người mời họ tham gia sáng lập Phong trào thì họ có thể sẽ bị rơi vào trường hợp như trên. Việc tôi gửi đồng loạt đến nhiều người và công khai nội dung và danh sách người được mời sẽ ngăn cản sự bóp méo nội dung của nó. Trong các phản ứng gay gắt về việc này, có người đã viết rằng: Xin hãy xem cho rõ, đây là danh sách mời tham gia chứ không phải là danh sách những người sẽ tham gia hoặc sẽ nhận lời. Nếu tôi mời và trao đổi riêng với những người này thì chắc sự việc sẽ không dừng lại ở đây.

Tuy nhiên, tôi đã không lường hết được những vấn đề do việc công khai trên gây ra, dẫn đến việc phản ứng gay gắt của một số người về cách làm này. Nhân đây tôi xin được xin lỗi các việc này về sự phiền toái đã gây ra cho quý vị. Nhưng tôi cũng xin nói rõ rằng danh sách mà tôi mời dựa trên đánh giá của tôi và các đồng sự tin rằng những người được mời sẵn sàng chia sẻ mục đích và việc làm của Phong trào Con đường Việt Nam thông qua nhận thức của chúng tôi từ những gì mà họ thể hiện trước công chúng. Nhưng rõ ràng là chúng tôi đã thiếu sót mà tôi nghĩ chúng tôi sẽ không thể nhận ra những thiếu sót này nếu không công khai hóa việc làm của mình.

Việc đưa các hoạt động của Phong trào ra công khai còn xuất phát từ một quan điểm là: Phong trào là một hoạt động chính trị – xã hội của quần chúng nên người dân phải được tham dự ngay từ trong quá trình thành lập nó. Chúng tôi phản đối cách làm theo kiểu thỏa thuận trong hậu trường rồi đem nội dung thỏa thuận ra công bố trước dân chúng. Nếu quý vị và các bạn đọc kỹ các tài liệu của Phong trào Con đường Việt Nam thì sẽ nhận ra rằng Phong trào tranh đấu cho việc người dân phải can dự vào các hoạt động và quyết định về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của đất nước ngay từ lúc chúng bắt đầu cho đến khi kết thúc. Chúng tôi luôn tin vào trí khôn quy ước của đại chúng (conventional wisdom), nếu người dân được công khai để có đủ những thông tin cần thiết thì kết quả cuối cùng sẽ xác lập ở một trạng thái tốt nhất cho dù có rất nhiều xu hướng khác nhau, trái chiều nhau. Sự thỏa hiệp, tức là những thỏa thuận trong hậu trường mà không có sự giám sát của dân chúng thì không phải lúc nào cũng tốt, mà đa phần tạo ra những kết quả đi ngược lại nguyện vọng của người dân.

Việc công khai tất cả các hoạt động của Phong trào rõ ràng là đã tạo ra nhiều xu hướng dư luận khác nhau, trái ngược nhau. Điều này là rất cần thiết để chúng tôi điều chỉnh cách thức hoạt động của mình để cuối cùng sẽ nhận được sự ủng hộ của công chúng nhiều nhất. Chúng tôi cho rằng không ai, dù có tài giỏi đến đâu, lại có thể tiên liệu được hết những tâm tư nguyện vọng của người dân mà xây dựng nên những sách lược phù hợp. Chỉ có cách công khai thì mọi thứ mới có thể bộc lộ ra hết được, kể cả những yếu kém của những người quản trị điều hành như tôi.

Chúng tôi đang nghiên cứu mọi ý kiến của công luận sau 09 ngày phát động Phong trào để điều chỉnh cách thức của mình tốt hơn, kể cả cách thức sáng lập, tham gia và ủng hộ, và cả về mục tiêu, tôn chỉ, phương thức hoạt động của Phong trào . Do vậy tôi mong tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý, chỉ trích cho những vấn đề trên để chúng tôi có thể hoàn thiện được Phong trào một cách tốt nhất, phù hợp với đa số công chúng.

Có những nghi ngại cho rằng Phong trào Con đường Việt Nam là cái bẫy, là cách để đảng Cộng sản Việt Nam hạ cánh an toàn thì tôi nghĩ rằng những phân tích của công luận đã làm sáng tỏ là không phải như thế. Đây là sự thật và tôi cũng sẽ có giải trình rõ ràng trước công luận vào lần khác. Vì thời gian và nguồn lực có hạn nên chúng tôi không thể đáp ứng ngay mọi yêu cầu giải trình cùng một lúc. Xin mọi người thông cảm.

Cuối cùng tôi xin một lần nữa cảm ơn các bạn đã ủng hộ Phong trào và mong tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các bạn để việc thành lập, quản trị điều hành các hoạt động của Phong trào sẽ được hình thành theo cách mà đa số các bạn muốn, chứ không phải theo ý chủ quan của những người khởi xướng hay sáng lập. Tôi cam kết nguyên tắc này trước công luận.

Xin chân thành cảm ơn quý vị và các bạn. Kính chào trân trọng.

Người đồng sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam

                                 Lê Thăng Long

Kính gửi quý công chúng,

Chúng tôi vừa nhận được thư của thân phụ anh Trần Huỳnh Duy Thức dưới đây. Kính đăng để quý vị tham khảo và góp ý thêm cho phong trào của toàn thể chúng ta.

Trân trọng,

Phong trào Con đường Việt Nam.

——————————————

Ngày 19 tháng 6 năm 2012

Kính gửi: Người khởi xướng PT CDVN

Đề nghị  Người khởi xướng PT CDVN giúp tôi đăng tải bức thư dưới đây để làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến phong trào Con đường Việt Nam.

Xin cảm ơn và kính chào Người khởi xướng PT CDVN.

Trần Văn Huỳnh

Địa chỉ: 439F8 Phan văn Trị, Phường 5, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.

Điện thoại: 0903350117 email: 2tranvanhuynh@gmail.com

 

THÂN PHỤ CỦA TRẦN HUỲNH DUY THỨC NÓI VỀ PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM

 

Như một nhân duyên mà cả ba người khởi xướng Phong trào Con đường Việt Nam tôi đều có quan hệ và biết rất rõ về họ. Người đầu tiên là Trần Huỳnh Duy Thức, con trai tôi. Người thứ hai là Lê Thăng Long, vừa là bạn thân từ hồi học đại học của Thức vừa là đồng nghiệp với tôi trong gần 10 năm khi tôi làm cộng tác viên dịch thuật cho công ty mà Long điều hành. Người thứ ba là Lê Công Định, cựu học sinh trường Phổ thông trung học Hoàng Hoa Thám (Quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh) – nơi tôi đã dạy học gần 10 năm, dù không trực tiếp học lớp tôi dạy nhưng Định vẫn gọi tôi là thầy. Trong quãng thời gian mấy thập kỷ làm cha, làm thầy và làm đồng nghiệp tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc và tự hào như lúc này.

Dù sẽ còn nhiều khó khăn phía trước nhưng tôi tin tưởng chắc chắn rằng Phong trào Con đường Việt Nam sẽ thành công, đạt được mục tiêu tối thượng của Phong trào là: “Quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng tại Việt Nam”. Nói thật, tôi là người rất dè dặt, thỉnh thoảng còn bị cho là bảo thủ nhưng ngay từ lần đầu tiên đọc được mục tiêu, cương lĩnh, phương pháp, tổ chức, lời kêu gọi… của Phong trào này trong tôi đã dâng lên một cảm xúc rất đặc biệt. Nó nhanh chóng biến thành một niềm tin mạnh mẽ vào tính khoa học, tính quy luật và sự chính nghĩa cũng như sự hợp lòng dân của Phong trào. Có lẽ ngoài những người khởi xướng, tôi là người đầu tiên đọc được các tài liệu nói trên trong các files Con đường Việt Nam Thức để lại mà gia đình tìm thấy từ hơn một năm về trước. Chính các tài liệu này đã làm cho tôi ý thức rõ về quyền con người – quyền công dân của mình mà tôi đã bị đánh mất trong suốt bao nhiêu năm dài. Các tài liệu này cũng cung cấp cho tôi những kiến thức pháp lý trong nước và quốc tế cũng như những lý luận cần thiết để tôi tranh đấu bảo vệ công lý cho con mình cũng như cho  những người bạn đồng cảnh ngộ với Thức. Cuộc đấu tranh này đang dẫn đến một bước tiến rất quan trọng.  Những nhóm vận động ủng hộ cho nó đã rất ngạc nhiên vì những kiến thức nói trên của tôi.

Vì vậy mà tôi đã rất muốn phổ biến các tài liệu của Con đường Việt Nam cho công chúng. Nhưng tôi nghĩ tài liệu của Phong trào thì chỉ những người đủ tư cách mới có thể công bố nên tôi đã chỉ giới thiệu một phần của quyển sách Con đường Việt Nam. Giờ thì các tài liệu của Phong trào Con đường Việt Nam đã được anh Lê Thăng Long công bố rộng rãi, đúng như ý nguyện của Thức. Nhớ lại hồi tháng 05 năm 2010, sau phiên tòa phúc thẩm gia đình đi thăm Thức. Tôi có cố gắng động viên Thức vì bản án quá nặng mà bạn bè thì đều được giảm nhẹ. Nhưng tôi không bao giờ quên được ánh mắt tự tin rạng ngời và nụ cười rạng rỡ của Thức vào lúc đó khi nói rằng: “Cả nhà đừng quá lo cho con. Cũng phải có người hy sinh để có thể tiếp tục Con đường con đi”. Giờ tôi đã hiểu rằng sự hy sinh đó không chỉ là phải chấp nhận bản án nặng nề để bảo vệ chính nghĩa mà còn là phải chịu đựng “nhận tội” để có thể về sớm mà tiếp tục sự nghiệp chính nghĩa đó. Tôi rất hiểu Thức, Long, Định những người không bao giờ biết sống cúi đầu khuất phục để cầu danh lộc mà phải “nhận tội” cho việc làm chính đáng của mình thì không còn gì có thể khủng khiếp hơn như vậy. Chỉ với những tấm lòng trong sáng và ý chí phi thường vì mục đích cao cả, tôi nghĩ, mới giúp họ có động lực và nghị lực để vượt qua được điều khủng khiếp đó.

Không chỉ có vậy. Họ không những chỉ bỗng dưng mất tất cả thành quả kinh tế gần 20 năm mà họ gầy dựng bằng tài năng và trí tuệ đáng tự hào của mình, mà còn phải đau xót vô cùng vì không làm tròn chữ Hiếu. Tôi đến thăm Long cách đây vài hôm, mẹ Long bị ung thư nặng đã ở vào giai đoạn cuối nên chỉ mong Long sống yên ổn với gia đình để chăm sóc mẹ già và hai đứa con còn thơ mới 6 và 9 tuổi. Tôi cũng nghe nói mẹ Định đã bệnh và yếu đi rất nhiều từ khi Định vào tù. Còn mẹ Thức thì đã mãi mãi ra đi vào tháng 11 năm ngoái mà không được gặp lại đứa con trưởng nam thương yêu nhất của mình. Hôm rồi Long kể Thức đã khóc đến cạn kiệt khi nghe tin mẹ mất. Trước đây chưa ai từng thấy Thức khóc bao giờ. Thế nhưng trong bài thơ tế mẹ Thức đã viết :

…Má ơi đạo nghĩa công bằng

Con vì chữ ấy đạp bằng gian lao…

…Má ơi con đã chơi vơi

Nghe tin má đã xa rời trần gian

Má ơi con đã vững vàng

An lòng má nhé Niết bàn thênh thang.

Vâng, công bằng về quyền cho mọi người dân Việt Nam là mục đích cao cả mà Thức, Long, Định đã chấp nhận hy sinh quá lớn để tranh đấu, thể hiện qua mục tiêu tối thượng của Phong trào Con đường Việt Nam: “Quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng ở đất nước này”. Hơn thế nữa, các anh ấy hoàn toàn có đủ tư cách để nói và đấu tranh cho công bằng, cho công lý. Rất nhiều người đã biết về câu chuyện họ cùng nhau bảo vệ lẽ phải, bảo vệ khách hàng điện thoại internet của công ty OCI hồi năm 2003. Nhưng câu chuyện sau đây thì chưa nhiều người biết và chắc hẳn sẽ rất ngạc nhiên vì nó. Ngay sau khi Thức, Long, Định bị bắt, hai công ty EIS và OCI mà Thức và Long điều hành bị “bất ngờ” thanh tra thuế. Việc thanh tra đó diễn ra trong bối cảnh họ vừa bị khởi tố về tội an ninh quốc gia trong một vụ án rình rang nhất vào lúc đó nên nó đã rất gắt gao. Thế vậy mà sau 03 tháng lục tung mọi ngõ ngách, thanh tra thuế đã không tìm thấy bất kỳ chứng cớ nào để kết luận hai công ty trên trốn thuế. Nhiều luật sư và những người am hiểu biết sự việc này đã lắc đầu sửng sốt “không thể tin được dù đó là sự thật”. Họ nói với môi trường kinh doanh như Việt Nam thì quét nhà kiểu gì chẳng ra rác, ấy vậy mà có hai công ty như thế, chẳng khác nào chuyện thần kỳ.

Sau 03 năm lao tù, trở về nhà chưa một ngày ngơi nghĩ Long đã tiếp tục dấn thân ngay vào Con đường mà mình và bạn bè còn đang dang dở dù biết thử thách hiểm nguy luôn chờ phía trước. Trong suốt nhiều năm làm việc với Thức, Định, Long tôi nhận thấy họ là những người làm việc tranh thủ từng giờ, từng ngày để luôn nắm được thời cơ khi nó đến. Hôm rồi tôi có hỏi Long rằng có phải vì thời cơ mà cháu phải làm mọi cách để về sớm phải không. Long cười và chỉ nói rằng: “Bác luôn hiểu tụi cháu mà”. Tôi càng khâm phục Long khi được đài BBC hỏi chỉ trả lời về việc mình đã“nhận tội” nên được giảm 06 tháng tù mà không kèm theo bất kỳ lời giải thích, thanh minh nào cả. Chỉ có những người có tấm lòng và mục đích rất trong sáng mới có thể vững chải như vậy. Và tôi cũng tin rằng hầu hết mọi người đều hiểu và sẽ thấu hiểu tấm lòng và sự hy sinh của Long.

Thật sự là tôi không thể hiểu được khi đọc các ý kiến cho rằng việc Long vừa làm là “chim mồi” là “cạm bẫy”. Tôi cũng là người được mời tham gia sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam. Thư mời nói rất rõ ràng việc tham gia có thể dẫn đến những nguy hiểm rủi ro. Nội dung chung của thư mời này sau đó cũng được đăng tải rộng rãi mà ai cũng có thể đọc. Chẳng hề có một lời lẽ ngon ngọt hoặc gây ảo giác về sự an toàn nào để mồi, để bẫy gì cả. Nó chỉ thể hiện sự tự tin và tinh thần sẵn sàng dấn thân của người khởi xướng để động viên mọi người vượt qua sự sợ hãi. Tôi đã cảm thấy rất vinh dự nhận được một lời mời như vậy vì thấy rằng mình vẫn còn được nhìn nhận là có khả năng để đóng góp cho những việc có ích cho đất nước. Và với tôi, chẳng đòi hỏi ai muốn mời mình làm gì mà phải hỏi ý kiến trước cả. Việc mời đã là một sự hỏi ý kiến rồi.

Gặp Long vừa rồi, tôi cũng thử hỏi là vai trò của Thức trong Phong trào sẽ như thế nào. Long nói rằng: “Điều này cả anh Thức và cháu đều có chung quan điểm rất rõ là Ban quản trị phải là những người có điều kiện thực tế để điều hành hoạt động của Phong trào. Do vậy anh Thức hiện nay và cả cháu sắp tới nếu cháu bị quay lại nhà tù, cũng chỉ là những người khởi xướng mà không có vai trò hay quyền hạn gì đặc biệt trong việc điều hành hoạt động Phong trào. Ngay cả sau này, khi bầu ra Ban quản trị chính thức mà cháu không được trúng cử thì cháu cũng sẽ vui vẻ giữ vai trò không điều hành. Đây là Phong trào của mọi người chứ chẳng phải của riêng ai cả. Cháu chỉ tạm giữ quyền trưởng Ban quản trị đến khi nào Ban quản trị chính thức bầu nên người mới”. Tôi đọc trong Qui chế quản trị điều hành của Phong trào cũng thể hiện như vậy. Thật đáng trân trọng và tự hào về suy nghĩ của họ.

Trước khi kết thúc bức thư này, tôi muốn khẳng định với công chúng rằng, qua những tài liệu mà Thức đã để lại thì Phong trào Con đường Việt Nam đã được chuẩn bị từ đầu năm 2009 bởi Thức, Long, Định. Nội dung của các tài liệu này hầu hết phù hợp với những nội dung tương ứng mà anh Lê Thăng Long vừa công bố sau khi chỉnh sửa và bổ sung theo cập nhật thời điểm hiện nay. Và Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Lê Công Định đúng là ba người khởi xướng của Phong trào Con đường Việt Nam – điều này thể hiện rõ trong các files tài liệu mà tôi có.

Nhưng tôi thấy có một cách, một cách rất hiệu quả và chúng ta chẳng cần lệ thuộc vào ai cả để tự đánh giá được về Phong trào này. Đó là hãy đọc, đọc kỹ những tài liệu trên blog của Phong trào thì tự nhiên chúng ta sẽ sáng tỏ mọi chuyện đang bàn cãi rất nhiều trước công luận. Khi chúng ta đi sâu vào bản chất của một cái gì đó thông qua hiểu rõ nội dung của nó thì tự nhiên mọi cái hình thức của nó đều rất rõ ràng.

Tôi có một niềm tin to lớn vào sự lớn mạnh và thành công của Phong trào này. Hiện nay tôi chưa xác nhận tham gia sáng lập Phong trào vì một lý do duy nhất là tôi muốn đảm bảo rằng việc tham gia này không tạo ra xung đột lợi ích và tính vô tư của tư cách một người cha sẽ theo đuổi đòi lại công lý cho con mình đến cùng.

Cuối cùng, tôi xin được nói vài lời với những người khởi xướng Phong trào Con đường Việt Nam trước công chúng: “Tôi rất tự  hào về Thức, con trai mình và tin chắc rằng Thức sẽ hoàn thành được sứ mạng cao cả của mình. Long, bác rất cảm phục ý chí, nghị lực phi thường của cháu và tin tưởng sâu sắc vào sự thành công của sự nghiệp cao cả mà cháu đã gây dựng. Và mong rằng người nhà của Định chuyển lời đến Định rằng tôi rất lấy làm vinh dự được một người như Định gọi bằng thầy và tràn đầy niềm tin vào những gì Định đã phải hy sinh để tạo ra Con đường Việt Nam.”

Xin chào trân trọng quý công chúng.

 

Ngày 19/06/2012,

Trần Văn Huỳnh

PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM

QUYỀN CON NGƯỜI TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN

Chúng ta thường nghe nói pháp quyền là quyền thượng tôn pháp luật – Pháp luật đứng trên hết mọi đối tượng – và áp dụng cho mọi người như nhau. Cách hiểu này còn được gọi là pháp trị (rule by law) tức cai trị bằng pháp luật. Tuy nhiên điều gì sẽ xảy ra khi Pháp luật lại bảo vệ một đối tượng nào đó trên hết, chẳng hạn một tư tưởng chủ nghĩa, một chế độ chính trị, một đảng phái trị nào đó, hay thậm chí là một con người nào đó? Câu trả lời đã quá rõ ràng: điều đó sẽ dẫn đến sự chuyên chế (hay chuyên chính theo cách nói của những người Cộng sản) mà ở đó Pháp luật được sử dụng làm công cụ cai trị của giới cầm quyền để duy trì quyền lực và quyền lợi cho mình. Đây chính là tính chất chính trị căn bản và đã trở thành bản chất của các chế độ phong kiến hay còn gọi là quân chủ chuyên chế mà đối tượng bảo vệ trên hết của nó là vua. Xâm phạm vua là tội đại nghịch, là tội đứng đầu trong luật hình sự và có mức hình phạt khủng khiếp nhất. Tương tự như vậy, ở các chế độ đảng trị thì bảo vệ đảng cũng là trên hết.

Các chế độ độc tài chuyên chế đang tồn tại ngày nay cũng với một bản chất như vậy, chỉ có khác về hình thức, chẳng hạn như vua bây giờ có thể là một (dù với một danh xưng khác), có thể là nhiều ví dụ như một nhóm chóp bu của một đảng hoặc là một chế độ chính trị gắn với một tư tưởng chủ nghĩa nào đó. Việc xâm phạm đến các chế độ và chủ nghĩa đó luôn bị quy là tội nặng nhất đứng đầu trong các tội hình sự. Ở Việt Nam các tội gọi là xâm phạm an ninh quốc gia được dành hẳn một chương đầu tiên của phần tội phạm của bộ luật hình sự, hầu hết có khung hình phạt cao nhất có án tử hình, như điều 79 – lật đổ chính quyền nhân dân, điều 88 – tuyên truyền chống phá nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bằng cách như vậy và theo tinh thần pháp trị – thượng tôn pháp luật, giới cầm quyền ở các chế độ như thế luôn dễ dàng đứng trên pháp luật, dùng pháp luật để bảo vệ đặc quyền riêng cho mình trên danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia. Sự thượng tôn pháp luật kết cục là để bảo vệ tối thượng cho một nhóm đối tượng nhỏ hẹp nào đó dưới rất nhiều các danh nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thực ra chế độ phong kiến chưa hoàn toàn chấm dứt, chỉ có cái tên của nó là không còn hợp thời nữa nên phải dùng đến những cái tên hình thức khác nhau để che đậy bản chất không thay đổi của nó.
Như vậy, sự thượng tôn pháp luật là không đủ để đảm bảo cho một chế độ dân chủ. Đây chỉ là ý nghĩa thứ cấp của pháp quyền (rule of law). Ý nghĩa sơ cấp của pháp quyền là sự bảo vệ các quyền của con người bằng pháp luật (hiến pháp và luật), kết hợp với ý nghĩa thứ cấp như trên sẽ dẫn đến kết quả là quyền con người sẽ được bảo vệ ở vị trí cao nhất của pháp luật. Và do đó Nhà nước Pháp quyền (The rule of law) là một nhà nước mà bất chấp hình thức của nó là gì đi nữa thì pháp luật của nó phải bảo vệ các quyền của con người trên hết mọi đối tượng khác một cách bình đẳng cho bất kỳ công dân nào của nó mà không được có bất kỳ sự phân biệt nào về các thuộc tính sinh học, địa vị xã hội lẫn quan điểm chính trị của họ, cho dù đó là những cái thuộc về thiểu số rất nhỏ. Nói cách khác, nhà nước pháp quyền là một sự ủy trị để đại diện cho từng công dân một để bảo vệ quyền con người của anh ta một cách bình đẳng với tất cả mọi công dân khác mà không có bất kỳ đối tượng nào khác được đặt lên trên các quyền đó của anh ta. Sự bảo vệ ở đây phải bao gồm sự đảm bảo để anh ta sử dụng được đầy đủ các quyền con người của mình, ngăn ngừa người khác xâm phạm các quyền này của anh ta và ngăn ngừa anh ta xâm phạm các quyền này của người khác. Cho dù anh ta có bỏ phiếu cho nhà nước đó hay không thì nó vẫn phải bảo vệ cho anh ta như vậy, ngay cả lúc anh ta bị phạm pháp đi nữa.

QUYỀN CON NGƯỜI TỐI THƯỢNG

Một nhà nước làm được như vậy thì tất yếu nó là một nhà nước dân chủ mà không cần phải gắn thêm thuộc tính “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ” làm chi trừ khi chỉ sử dụng nó như là một khẩu hiệu. Dân chủ là một tính chất của xã hội được hình thành nên từ sự vận động trong thực tế cuộc sống của con người chứ không phải là một hình thức xã hội, một phương thức cai trị hoặc một mô hình chính trị. Do vậy chúng ta hay thấy rằng có rất nhiều nước mang những cái tên dân chủ hay nhân dân thường lại là những nước phản dân chủ nhất, áp đặt nhân dân chuyên chế nhất. Một xã hội sẽ có tính chất dân chủ chỉ khi nào người dân ở đó thực sự làm chủ chính mình – tức có thể sử dụng đầy đủ quyền con người của mình mà không cần xin phép ai và cũng không ai có quyền cho phép họ. Muốn làm được như vậy thì phải tuân thủ các nguyên tắc “Quyền con người trong nhà nước pháp quyền” như nêu trên. Nguyên tắc này chính là một quy luật tự nhiên khách quan mà loài người đã trải qua cả ngàn năm đúc kết thực chứng để hiểu rõ. Và nhờ tuân theo quy luật này mà rất nhiều dân tộc đã xây dựng được một xã hội dân chủ cho họ dưới rất nhiều các hình thức nhà nước khác nhau như Quân chủ lập hiến, Cộng hòa đại nghị, Cộng hòa tổng thống … cho dù nguyên thủ quốc gia là vua hay thủ tướng hay tổng thống thì vẫn phải ở dưới quyền con người được bảo vệ trên hết và bình đẳng ở các quốc gia đó.
Do vậy việc xây dựng dân chủ bằng các mô hình đều dẫn đến sai lầm vì dân chủ là tính chất được hình thành từ dưới lên theo quy luật khách quan nói trên chứ không thể bằng sự áp đặt từ trên xuống theo mô hình chủ quan. Nói cách khác, bản chất của dân chủ – tức thành tố căn cơ tạo nên dân chủ – là quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng để tất cả người dân có thể tự tin sử dụng chúng trọn vẹn. Bảo đảm được thành tố này – tức tôn trọng quy luật Quyền con người trong Nhà nước pháp quyền – thì chắc chắn sẽ tạo ra một nền dân chủ. Nền dân chủ đó có thể có những hình thái, mô hình khác nhau tùy thuộc vào ý muốn của đa số nhân dân. Chẳn hạn như, vì đa số người dân Anh thích có vua/nữ hoàng nên họ bỏ phiếu để duy trì hình thái quân chủ lập hiến để trao quyền tối cao của họ cho người này nhằm kiểm soát các đảng phái chính trị làm theo ý chí của họ và chống sự độc tài, và họ không cho phép người này được tham gia các hoạt động cầm quyền, điều hành đất nước để người đó không thể lạm quyền. Khi nào họ thấy mô hình này không phù hợp nữa thì họ sẽ bỏ phiếu thay đổi nó vì quyền của họ luôn đứng trên hết, trên cả mô hình đó. Ý muốn của nhân dân là mệnh lệnh bắt buộc.

QUY LUẬT ĐỂ PHÁT TRIỂN

Ý muốn đó có thể khác nhau bởi các thuộc tính sinh học, địa vị xã hội và quan điểm chính trị của những người khác nhau. Nhưng tất cả họ đều có một cái giống nhau và bình đẳng tuyệt đối là quyền con người của họ không hề khác nhau. Những ai có nổ lực vượt bậc thì sẽ đề ra được những mô hình, phương thức tốt nhất, phù hợp nhất với những hoàn cảnh, tình hình khác nhau thì sẽ thuyết phục được đa số ủng hộ để bỏ phiếu trao quyền cho họ áp dụng mô hình, phương thức đó cho đất nước. Do vậy những cái này liên tục thay đổi theo thời gian và bị tác động bởi bối cảnh lịch sử trong lúc sự bảo vệ quyền con người trên hết và bình đẳng là không được thay đổi để làm một nền tảng vững chắc – tức nền dân chủ – tạo sự ổn định cho những sự thay đổi liên tục nói trên. Vi phạm sự bảo vệ này là phản dân chủ, là không tuân theo quy luật khách quan nên không bao giờ có được sự phát triển bền vững, tạo ra những điều tốt đẹp. Sự phát triển cũng phải tuân theo quy luật phát triển tự nhiên thì mới luôn đạt được trạng thái cân bằng nên không bị đổ vỡ.
Nguyên tắc quyền con người trong nhà nước pháp quyền cũng chính là quy luật phát triển tự nhiên như thế. Hình vẽ dưới đây mô tả điều này :

Người Trung Hoa cổ có câu ”dĩ bất biến ứng vạn biến” rất hay. Phải dựa vào những cái không thay đổi để ứng phó với những cái liên tục thay đổi, nếu không thì mọi sự phát triển sẽ không có nền, mất gốc và do vậy sẽ sụp đổ. Mà đối với con người thì chỉ có quy luật của vũ trụ ( tức vũ trụ quan ) mới là bất biến không thể bị thay đổi theo ý muốn của con người được. Còn những quy tắc của con người (tức nhân sinh quan) thì luôn có thể thay đổi bởi chính họ hoặc người khác. Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng khi loài người phát hiện và hiểu được các quy luật khách quan của vũ trụ thì xã hội của họ sẽ phát triển vượt bậc. Điển hình là Newton phát hiện luật Vạn vật hấp dẫn, Adam Smith phát hiện quy luật Bàn tay vô hình (tức kinh thế thị trường ngày nay), Albert Einsteins phát hiện thuyết Tương đối . Những phát hiện này đã khai sáng cho nhân loại hiểu rõ những quy luật của vũ trụ đã tồn tại từ thuở khai thiên lập địa. Từ đó thế giới đã phát triển nhanh chóng cho đến ngày nay, tạo ra một sự thịnh vượng và văn minh vĩ đại.
Nhưng sự phát triển của thế giới vật chất như trên sẽ không thể bền vững, tốt đẹp nếu không dựa trên những quy luật về tinh thần tự nhiên của con người. Sự không tốt đẹp của nó – đúng hơn là tồi tệ – mà loài người đã phải chịu đựng chính là những nạn nô lệ chà đạp con người, những cuộc chiến để giành giật của cải và hơn thua về ý thức hệ hủy diệt con người trải cả hàng nghìn năm lịch sử, hoặc dùng quyền lực và lợi ích vật chất để khống chế tư tưởng con người mới nổi lên gần đây ở các chế độ đảng trị. Thế giới chúng ta sẽ không thể phát triển tốt đẹp và hòa bình nếu căn nguyên của các thảm họa trên không được nhìn nhận đúng để trừ khử nó.

QUY LUẬT ĐỂ CÔNG BẰNG

Các thảm họa như trên đều xuất phát từ một nguồn gốc là quyền lực tuyệt đối của quốc gia bị rơi vào tay của một người hoặc một nhóm người cầm quyền – chính là tình trạng chuyên chế, hay nói cách khác chính là sự bất công trầm trọng – nên họ dễ dàng gây ra những thảm họa đó vì lòng tham cá nhân. Do vậy nếu chúng ta làm cho thế giới công bằng thì nhân loại sẽ tránh được những thảm họa tương tự. Có một thời, vào lúc mà chủ nghĩa Cộng sản đang thịnh hành, người ta đã tin rằng có thể đạt được sự công bằng bằng cách áp đặt tư tưởng giống nhau tuyệt đối cho con người và cào bằng nhu cầu vật chất của họ. Nhưng học thuyết đó đã thất bại ê chề, đơn giản vì nó không hợp với quy luật tự nhiên của con người – tư tưởng và nhu cầu của con người không bao giờ có thể đồng nhất như nhau được. Và chính sự đa dạng của những cái này làm cho xã hội loài người phát triển. Cưỡng bức để đồng nhất những cái đó đã làm cho sắc màu của cuộc sống xám xịt và xã hội lạc hậu đến mức nào thì chúng ta cũng đều đã chứng kiến.
Nhưng nếu có một quy luật về tinh thần giúp đạt được công bằng thì phải tồn tại một thành tố nào đó mà tính chất của nó đối với tất cả mọi người phải tuyệt đối giống nhau bất chấp sự khác biệt về thuộc tính của họ như màu da, sắc tộc, xuất thân, địa vị, tư tưởng, v.v… Tương tự như thành tố thời gian vậy: ai cũng có được 24 giờ một ngày như nhau tuyệt đối bất kể họ sống ở đâu. Cho dù không quá phức tạp nhưng phải mất mấy ngàn năm và phải sau khi đã trải qua thảm họa của Thế chiến II thì nhân loại mới có thể thừa nhận rộng rãi rằng: Quyền con người là tuyệt đối như nhau cho bất kì ai là con người đang sống bất kỳ đâu trên hành tinh này. Đây chính là nguyên tắc phổ quát của Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người mà Liên hợp quốc đã long trọng tuyên bố vào năm 1948. Nguyên tắc phổ quát đó cũng chính là quy luật của vũ trụ mà người ta không thể thay đổi được. Rõ ràng là như vậy vì không ai có thể làm cho người khác tự nhiên không muốn mình có quyền được sống, được tự do, được an toàn cá nhân để hạnh phúc. Dùng quyền lực có thể áp đặt, tước đoạt các quyền đó của con người nhưng không thể làm cho họ thôi khát khao có chúng.
Như vậy Quyền con người chính là thành tố có tính chất bất biến và tuyệt đối bình đẳng đối với mọi người. Và nếu đảm bảo tôn trọng thành tố này thì chúng ta sẽ có được sự bình đẳng tuyệt đối cho từng người có được tất cả quyền con người hoàn toàn giống nhau như ai cũng có 24 giờ/ngày vậy. Không ai có thể cho ai hoặc lấy đi của ai các quyền và thời giờ của họ cả. Đến khi đó ai nỗ lực tốt, biết tận dụng tốt hơn các quyền con người và thời giờ của mình thì sẽ có quyền sở hữu nhiều thành quả hơn nên sẽ vượt trội hơn. Đây chính là sự bình đẳng cơ bản mà nó không chỉ tạo ra động lực lành mạnh thúc đẩy con người nỗ lực vươn lên mà còn là một cái nền không thể thiếu để kinh tế thị trường vận hành một cách đúng đắn: muốn vươn lên phải cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của người khác thay vì giành giật và chà đạp. Và khi đó xã hội loài người sẽ phát triển nhanh chóng vì nhu cầu vật chất lẫn tinh thần của họ liên tục được đáp ứng một cách tốt nhất. Quy luật bàn tay vô hình sẽ tự nhiên điều tiết nhu cầu và việc đáp ứng nhu cầu để đạt được một trạng thái cân bằng tối ưu. Tuy nhiên bàn tay vô hình không tự điều tiết được ở một số lĩnh vực và tình huống, chẳng hạn: đơn giản thì có bảo đảm an toàn thực phẩm phức tạp hơn là bảo vệ môi trường, hơn nữa là thuế và các chính sách vĩ mô khác như an sinh, lợi ích cộng đồng, … cho nên phải cần bàn tay hữu hình – chính là vai trò điều tiết của nhà nước. Mà khi sự bình đẳng tuyệt đối được đảm bảo thì nhà nước lúc đó chính là nhà nước pháp quyền để bảo vệ quyền cho mỗi người. Nhờ vậy nó sẽ điều tiết các vấn đề trên đạt đến trạng thái cân bằng quyền lợi cho mọi người theo quan điểm của đa số. Trạng thái đó là sự bình đẳng phổ biến mà sẽ thường xuyên biến đổi theo ý muốn thay đổi của con người, kéo xã hội phát triển lên theo đà tiến bộ về văn hóa của con người, làm cho con người ngày càng thịnh vượng hơn, văn minh hơn.

THỊNH VƯỢNG HOẶC BẤT ỔN

Trên là cách để chúng ta xây dựng một xã hội ngày càng công bằng hơn nhờ vậy mà thịnh vượng và văn minh hơn. Giá trị của cách này là ở chổ nó tạo ra một sự cân bằng thực chất giữa mọi người để họ thực sự chấp nhận trạng thái bình đẳng phổ biến vì họ đã có đủ quyền tự do để tranh đấu hoặc lựa chọn cho điều họ mong muốn. Chứ không phải giá trị của nó nằm ở chổ đúng sai của các quan điểm chuẩn tắc được lựa chọn. Ở đây không có đúng hoặc sai, chỉ có quan điểm nào thuyết phục được càng nhiều người thì càng phù hợp cho bối cảnh từng giai đoạn. Không bao giờ có chân lý tuyệt đối ở các quan điểm này. Mọi sự áp đặt quan điểm công bằng không những đã chứa đựng mầm mống bất công mà còn tạo ra sự bất mãn mà ngay cả có dùng quyền lực để ép buộc đi nữa thì cũng chỉ gây ra sự đè nén chứ không phải cân bằng, sự chịu đựng chứ không phải chấp nhận. Do vậy nó luôn tạo ra sự bất ổn triền miên rồi dẫn đến sụp đổ khi sự đè nén và chịu đựng đã tới hạn.
Tình trạng bất ổn lâu nay ở đất nước ta có nguồn gốc như thế nên nếu chúng ta không nhìn nhận và giải quyết vấn đề từ gốc thì mọi nỗ lực ổn định vĩ mô đều sẽ thất bại, gây thêm tai họa. Nhưng nếu nhìn nhận đúng thì chúng ta không những nhanh chóng ổn định mà còn sẽ tạo nên những thành tựu vượt bậc. Sự nhìn nhận đó sẽ giúp chúng ta tránh được một sự sụp đổ mà hậu quả của nó sẽ tàn phá chúng ta khủng khiếp trong nhiều năm. Sự nhìn đó sẽ giúp chúng ta có được một nền tảng chính trị vững chắc để xây trên đó những thượng tầng kinh tế, xã hội, văn hóa liên tục cao hơn mà vẫn ổn định, và có đầy đủ mọi quyền con người của mình như bao dân tộc tiến bộ ở các quốc gia phát triển để ngày càng thịnh vượng và văn minh. Nhờ vậy mà chúng ta hạnh phúc.
Sự nhìn nhận đó lại rất đơn giản. Chỉ cần chúng ta tự tin sử dụng hết tất cả các quyền mặc nhiên của mình theo Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người và đã được hiến định đầy đủ thành các quyền công dân của nhân dân Việt nam tại Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam. Đó là những quyền con người của chúng ta trong nhà nước pháp quyền của chúng ta. Sự TỰ TIN đó chắc chắn và nhanh chóng sẽ tạo nên một nền DÂN CHỦ thực chất cho chúng ta mà ở đó quyền con người thiêng liêng luôn ngự trị tối thượng để bất kỳ ai cũng có được sự bình đẳng tuyệt đối về quyền của mình so với người khác. Nhờ nền dân chủ đó mà chúng ta sẽ có được sự CÔNG BẰNG để xác lập các trạng thái bình đẳng phổ biến làm cân bằng – tức hài hòa ý muốn của chúng ta. Nhờ vậy mà nhu cầu vật chất lẫn tinh thần của mọi người luôn được đáp ứng tốt nhất, làm chúng ta giàu có và văn hóa. Chỉ khi đó Việt Nam ta mới THỊNH VƯỢNG và VĂN MINH được.
Và cũng chỉ có như vậy thì quyền lực tuyệt đối của các quốc gia trên thế giới mới không nằm trong tay của một nhóm nhỏ cầm quyền, giúp họ dùng nó để gây ra những thảm họa vật chất lẫn tinh thần cho nhân loại. Đó là cách chúng ta thúc đẩy hòa bình cho trái đất.
Khi chúng ta tự tin sử dụng các quyền bất khả xâm phạm của mình thì sẽ buộc những người cầm quyền ở bất cứ thời kỳ nào cũng tôn trọng nguyên tắc Quyền con người trong nhà nước pháp quyền, cũng tức là tuân thủ quy luật phát triển khách quan. Đất nước ta đang đối mặt với quá nhiều vấn đề, nhưng chỉ cần chúng ta tự tin như vậy thì tất yếu chúng sẽ được giải quyết tốt đẹp theo quy luật đó.
Vì vậy mục tiêu tối thượng của Phong trào con đường Việt nam là: “Quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng tại Việt Nam “.

TRẦN HUỲNH DUY THỨC

Người khởi xướng.

Đã công bố rộng rãi ngày: 15/06/2012.

 LÀM SAO ĐỂ TỰ TIN ?

NGUYÊN NHÂN THIẾU TỰ TIN

Nguyên nhân căn cơ nhất làm mức độ tự tin và có ý thức sử dụng tối đa quyền công dân (sau đây gọi tắt là ”Mức độ Tự tin”) của người dân Việt Nam còn thấp là vì: đa số người dân  – gồm cả dân thường và những người làm công chức trong bộ máy nhà nước – không hiểu và/hoặc hiểu sai về những quyền cơ bản của con người mà mình mặc nhiên được hưởng, về nhà nước pháp quyền, và về những nguyên tắc pháp chế. Có lẽ chính các định nghĩa mang tính học thuật và luật học của các khái niệm này đã làm cho chúng trở nên xa vời, rắc rối đối với quần chúng và cả với công chức.

Thực ra bản chất của các khái niệm này và mối liên hệ giữa chúng rất đơn giản và dễ hiểu:

QUYỀN CON NGƯỜI CƠ BẢN

Quyền cơ bản của con người: đây là những quyền mà con người ở bất kỳ nơi nào trên trái đất đều tự nhiên mà có và không phải đợi bất kỳ một người nào khác hay tổ chức nào đó (kể cả nhà nước) cho họ cả. Để diễn đạt tính chất mặc nhiên này, Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ (1776) nói rằng: Thượng đế cho con người những quyền đó; còn Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam (1945) nói rằng: con người sinh ra đã có những quyền đó. Hay nói cách khác, những quyền này thuộc phạm trù của vũ trụ quan – một sự sẵn có tự nhiên của thế giới, chứ không phải của nhân sinh quan – do ai đó nghĩ ra, sáng tạo ra và sở hữu chúng và có quyền cho, tặng chúng cho người khác hoặc lấy chúng lại. Do các quyền đó là sản phẩm của vũ trụ quan – giống như các quy luật khách quan khác – nên chúng hoàn toàn độc lập với ý chí chủ quan của con người, không thể bị thay đổi bởi ý muốn của bất kỳ một ai hay tổ chức nào, và cũng sẽ không bao giờ thay đổi bất chấp sự khác nhau về không gian và thời gian hoặc bất kỳ sự khác nhau nào mang tính con người như màu da, giới tính, xuất thân, văn hóa, bản sắc, tôn giáo, bối cảnh lịch sử, chế độ chính trị, v.v…

QUYỀN BẤT KHẢ XÂM PHẠM

Chính vì vậy mà những quyền căn bản của con người là bất khả xâm phạm – Không ai hay tổ chức nào có quyền xâm phạm chúng cả. Và những quyền này đã được toàn nhân loại tôn trọng và khẳng định một cách long trọng tại bản Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người của Liên Hiệp Quốc từ 1948, và được gọi chung là Nhân quyền. Tuyên ngôn này đưa ra các nguyên tắc căn bản để xây dựng nên các điều khoản của những Công ước Quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam ta đã ký và thông qua vào 24/9/1982. Hai công ước này đưa ra các quy tắc ứng xử bắt buộc và giống nhau về Nhân quyền đối với các nước tham gia. Trong đó nêu rõ:Nhân quyền phải được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền  để con người không bị bắt buộc phải dùng đến biện pháp cuối cùng là nổi dậy chống lại chế độ cường quyền và áp bức”.

Cho nên ở nước ta, theo tinh thần của Tuyên ngôn độc lập khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và bởi các qui tắc của các công ước trên, tất cả các quyền căn bản của con người trên đất nước Việt Nam đều được công nhận, tôn trọng và bảo vệ bởi Hiến pháp (chương V, Hiến pháp 1992 hiện hành). Và vì vậy mà tất cả các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của công dân Việt Nam đã mặc nhiên, tự nhiên, có sẵn từ lúc chào đời mà không cần đến sự cho phép của bất kỳ bộ luật, hoặc văn bản luật nào khác dưới Hiến pháp. Và những quyền này không hề khác với những quyền căn bản của con người mà công dân ở các nước khác được hưởng cho dù có khác nhau về màu da, giới tính, xuất thân, tôn giáo, dân tộc, v.v…; cho dù có chênh lệch đáng kể về mức độ dân chủ, công bằng, thịnh vượng, văn minh; cho dù có khác biệt lớn về chế độ chính trị hay ý thức hệ, v.v… với các nước này đi nữa.

THIÊNG LIÊNG VÀ BÌNH ĐẲNG

Những quyền này là thiêng liêng và tất yếu: sinh ra phải được bú, ngủ; lớn hơn chút thì phải được ăn, bệnh phải được chữa; rồi được học, vui chơi; lớn đủ tuổi thì được làm việc để mưu sinh; rồi lấy chồng vợ, sinh con đẻ cái và có quyền nuôi dạy chúng; rồi quyền được duy trì và bảo vệ sự riêng tư của mình (xây chỗ ở, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín), rồi quyền đáp ứng nhu cầu tinh thần (phát minh, sáng chế, sáng tác văn học, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, biểu tình, …); rồi quyền bình đẳng trước pháp luật, v.v… Không chỉ thiêng liêng và tất yếu, những quyền này còn là mặc nhiên, bình đẳng (ai cũng có như nhau) và không cần bất kỳ sự cho phép nào cả, không phải đợi bất kỳ một điều luật nào qui định cho công dân Việt Nam được thực hiện những quyền này cả.

QUYỀN TẤT YẾU KHÁCH QUAN

Không có bất kỳ một con người bình thường nào lại không muốn mình có được những quyền này hoặc tự nhiên mà từ bỏ chúng cả. Điều này thể hiện tính chất tất yếu, khách quan, hiển nhiên của Nhân quyền giống như các quy luật tất yếu khách quan của vũ trụ mà không có bất kỳ một sức mạnh nào thuộc về con người có thể thay đổi được. Sự cường quyền chỉ có thể ép buộc và tước đoạt các quyền này của con người chứ không thể làm con người thôi mong muốn hoặc tự nhiên mà từ bỏ chúng cả. Cũng giống như người ta có thể đắp chặn không cho nước đổ vào một chỗ nào dưới thấp nhưng không bao giờ có thể thay đổi được tính chất tự nhiên của nước là luôn đổ về chỗ trũng cho dù là nước ở châu Mỹ, châu Á hay châu Âu, hoặc ở xã hội phong kiến, tư bản hay xã hội chủ nghĩa đi nữa.

Nhân quyền là những quyền cơ bản của con người mang tính tự nhiên và tính quy luật mặc nhiên khách quan của vũ trụ. Chính những quyền căn bản này hình thành nên con người và tạo nên xã hội loài người, cũng giống như các nguyên tố hóa học tuần hoàn tạo ra vật chất và thế giới vật chất vậy. Ai thay đổi được những quy luật này? Không ai cả!

LÀM NGƯỜI THÂN TỰ TIN

Tóm lại, tất cả mọi người Việt Nam chúng ta đều đã có tất cả mọi quyền công dân của mình qui định tại Hiến pháp và được quyền sử dụng ngay các quyền đó mà không phải chờ đợi bất kỳ điều gì khác. Chúng ta sử dụng các quyền này càng nhiều thì chúng ta càng được tôn trọng, càng giàu có, càng ứng xử có văn hóa, và vì vậy mà xã hội càng dân chủ, càng công bằng, càng thịnh vượng, càng văn minh. Cũng giống như nếu thiếu vắng càng nhiều các nguyên tố hóa học thì vật chất do chúng tạo ra càng kém đa dạng, thế giới vật chất của chúng càng nghèo nàn vậy.

Cho nên, điều kiện tiên quyết để làm tăng mức độ tự tin là mỗi chúng ta cần làm cho người thân hiểu đầy đủ quyền bất khả xâm phạm của mình để mạnh dạn sử dụng chúng, đòi hỏi khi chúng thiếu vắng, phản ứng khi chúng bị xâm phạm.

BẢO VỆ QUYỀN BẰNG LUẬT

Nhà nước pháp quyền. Trước hết cần phải hiểu pháp quyền là sự bảo vệ các quyền của công dân bằng pháp luật (hiến pháp và luật). Các quyền này bao gồm những quyền căn bản của con người (hay Nhân quyền như nói trên) và những quyền khác nữa mà đa số người dân muốn có thêm. Đây vừa là tính chất vừa là ý nghĩa cốt lõi, căn bản của pháp quyền. Có nhiều định nghĩa khác về pháp quyền nhưng đều là sự phát triển bổ sung từ tính chất và ý nghĩa cốt lõi, căn bản này. Do vậy, nhà nước pháp quyền là một kiểu nhà nước mà bản chất trên thực tế của nó đại diện cho từng người dân thuộc mọi tầng lớp để bảo vệ mọi quyền công dân của họ, cho họ và vì họ bằng pháp luật (gồm hiến pháp và các luật dưới hiến pháp). Điều này phù hợp với hai công ước quốc tế về các quyền của con người mà Việt Nam đã ký và thông qua như nói trên (quy tắc bắt buộc: ”Nhân quyền phải được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền”).

Hiến pháp hiện hành (1992) của nước ta ghi rõ: ”Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” (Điều 2), và: ”Ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và Luật” (điều 50). Đây rõ ràng là một sự tiến bộ và người dân Việt Nam chúng ta không những được khẳng định và bảo vệ để có quyền sử dụng ngay tất cả các quyền căn bản của con người quy định trong Hiến pháp và công ước quốc tế, mà còn có quyền đòi hỏi thêm những quyền khác nữa. Và nếu những quyền mới này được đa số người dân đồng tình thì chúng cũng sẽ được bảo vệ (chú ý là bảo vệ chứ không phải cho phép) bằng những luật dưới Hiến pháp. Đây chính là sự mong muốn tốt đẹp của thuộc tính ”xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” của nhà nước pháp quyền của chúng ta.

THÚC ĐẨY CỦA NHÀ NƯỚC

Do vậy, chỉ khi nào chúng ta sử dụng hết các quyền của mình như trên thì chúng ta mới có thể ”Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” (nhiệm vụ trên hết mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định khi phát biểu nhậm chức trước Quốc hội) được trên thực tế. Sự thiếu vắng việc sử dụng các quyền này trong thực tế cuộc sống của người dân sẽ không thể giúp ”ngăn ngừa tệ lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân” (Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII mới đây) có hiệu quả được. Tệ này chính là sự cường quyền mà đương nhiên tạo ra nạn tham nhũng.

Cho nên nếu Nhà nước khẳng định rõ ràng những quyền của công dân theo Hiến pháp như trên, đồng thời tuyên truyền rộng rãi và thường xuyên để thúc đẩy nhân dân sử dụng những quyền đó, thì chắc chắn Mức độ Tự tin sẽ tăng cao nhanh chóng. Lúc đó không những các mong muốn như trên của các vị  sẽ mau chóng thành hiện thực và đất nước cũng sẽ nhanh chóng đạt được dân chủ, công bằng, thịnh vượng, văn minh. Và lúc đó chính quyền cũng không còn phải vất vả và tốn quá nhiều nguồn lực để chống tham nhũng nhưng không hiệu quả như lâu nay.

CHẾ TÀI BẰNG PHÁP LUẬT

Nguyên tắc pháp chế. Vì trách nhiệm phải bảo đảm cho người dân thực hiện được quyền công dân của mình nên các nhà nước pháp quyền phải ngăn cản sự xâm phạm các quyền này từ bất kỳ đối tượng nào khác. Cũng do tính chất pháp quyền nên các nhà nước pháp quyền phải thực hiện việc ngăn cản này bằng luật pháp. Đây chính là ý nghĩa của pháp chế, tức là chế tài bằng pháp luật. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc của Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền Con người: ”Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng các yêu cầu chính đáng và đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.” (Điều 29.2)

Việc chế tài bao gồm hạn chế và xử phạt. Do vậy công việc pháp chế xoay quanh việc hạn chế và xử phạt sự xâm phạm giữa các loại đối tượng như sau:

– Ngăn cản các cơ quan nhà nước và công chức xâm phạm quyền và lợi ích của công dân (tức là chống lại cường quyền và tham nhũng).

– Ngăn cản các công dân này xâm phạm quyền và lợi ích của những công dân khác (không được bắt người khác làm nô lệ, không được giết người, trộm cắp, buôn người, …)

– Bắt buộc các công dân phải thực hiện một số các nghĩa vụ vì lợi ích chung (như nộp thuế, nghĩa vụ quân sự, …)

– Ngăn cản các công dân xâm phạm đến quyền và các lợi ích chung (như cản trở công chức đang thi hành công vụ vì lợi ích cộng đồng; phản bội Tổ quốc, khủng bố, diệt chủng; hạn chế kinh doanh một số lĩnh vực như ma túy, …)

Mọi sự chế tài trên phải được qui định bằng luật. Không có luật để hạn chế một việc gì đó thì có nghĩa rằng làm việc đó là không phạm luật và không cần phải xin phép ở đâu cả, và cũng không cần phải có luật để cho phép làm việc đó. Trong một nhà nước pháp quyền, bất kỳ một văn bản luật dưới hiến pháp nào mà qui định công dân được phép thực hiện những quyền căn bản của con người đã được hiến pháp ở đó thừa nhận và bảo vệ thì văn bản đó đã vi phạm nguyên tắc pháp quyền của nhà nước đó, vi phạm hiến pháp của nó.

PHÁP CHẾ CỦA VIỆT NAM

Trên đây là những nguyên tắc pháp chế của một nhà nước pháp quyền. Những nguyên tắc này được đảm bảo bởi Hiến pháp nước ta: ”Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.” (Điều 12). Thuộc tính xã hội chủ nghĩa là để thể hiện tính ưu việt  của những nguyên tắc pháp chế mà nhà nước mong muốn. Nên nó chỉ có thể bổ sung làm tốt đẹp hơn cho những nguyên tắc này chứ không thể thay đổi bản chất của chúng, càng lại không được phủ định chúng, mà phải tuân thủ những nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền như nêu trên. Tuy nhiên, trong thực tế nước ta hiện nay đã có nhiều sự diễn dịch thuộc tính XHCN dẫn đến làm sai lệch bản chất này, từ đó tạo ra không ít các văn bản luật vi hiến.

QUAN CHỨC VÀ PHÁP CHẾ

Do vậy, để tăng được Mức độ Tự tin thì chúng ta cần đòi hỏi quan chức phải hiểu rõ và đảm bảo đúng những nguyên tắc pháp chế XHCN theo đúng bản chất của một nhà nước pháp quyền và lý tưởng tốt đẹp của xã hội XHCN. Cần yêu cầu các Đại biểu Quốc hội phải bảo vệ và đảm bảo những đòi hỏi này của chúng ta phải được thực hiện trong thực tế.

Nhân quyền – Pháp quyền – Pháp chế: Chính bản chất và những nguyên tắc của 3 điều này liên hệ với nhau tạo thành nguyên lý cốt lõi của một nền dân chủ: người dân có quyền làm bất kỳ điều gì mà luật pháp không hạn chế và không cần phải xin phép để làm điều đó. Ở các nhà nước pháp quyền tiến bộ, công chức không chỉ bị hạn chế để không được làm một số việc đối với công dân mà còn chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Đồng thời, thay vì xây dựng nhiều luật để hạn chế, các nhà nước này ưu tiên làm ra luật để khuyến khích, tạo động lực cho người dân làm điều tốt để hướng đến thực hiện những lý tưởng xã hội tốt đẹp.

TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA

Chúng ta hoàn toàn có quyền và có lý do chính đáng để mong muốn và đòi hỏi nhà nước pháp quyền của chúng ta phải được như thế. Không chỉ đòi hỏi, mà tích cực hơn nữa là chúng ta cần phải chủ động, tự tin và có ý thức sử dụng tối đa các quyền công dân của mình để xây dựng cho được một nhà nước pháp quyền như thế.

Tóm lại, chúng ta sinh ra là đã có sẵn những quyền cơ bản của con người và cần phải tự tin sử dụng chúng mà không cần phải xin ai cho phép cả (Nhân quyền); Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo vệ các quyền đó (Pháp quyền); và chúng ta chỉ bị hạn chế làm những gì được qui định rõ trong luật pháp, chưa có luật hạn chế tức là không có sự hạn chế chứ không phải chưa được phép, nếu chúng ta vi phạm các hạn chế này thì chúng ta sẽ bị xử phạt (Pháp chế).

Ba điều này tạo thành nền tảng của dân chủ, làm tốt 3 điều này chúng ta sẽ có một nền dân chủ tốt (thực chất và bền vững). Điều thứ nhất – Nhân quyền – là quan trọng nhất và mang tính quyết định. Cho nên, nếu chúng ta không sử dụng các quyền con người cơ bản của mình thì sẽ không bao giờ có Nhân quyền trong thực tế. Và do vậy cũng sẽ không thể có nền dân chủ thực chất, nên cường quyền sẽ lấn át là đương nhiên. Do đó, trách nhiệm đầu tiên và trên hết thuộc về chúng ta.

Rất mong nhận được góp ý của quý vị.  Xin chân thành cảm ơn!

Lê Thăng Long

Người khởi xướng phong trào Con đường Việt Nam

Đã công bố rộng rãi ngày 15/06/2012.

Phong trào Con đường Việt Nam

HÃY TỰ TIN ĐỂ PHÁ CƯỜNG QUYỀN

    Thưa quốc dân đồng bào !

    Lời phát động Phong trào Con đường Việt NamLời kêu gọi Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới đang được tích cực hưởng ứng vì những gì mà Phong trào  và Hiến chương hướng đến không chỉ là một điểm chung của tất cả người dân Việt Nam chúng ta mà còn là một giá trị phổ quát của nhân loại. Quyền con người không chỉ là quyền lợi của tất cả mọi người mà còn là căn nguyên của tất cả mọi vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã gây tác hại cho chúng ta lâu nay. Và sự tôn trọng các quyền này cũng là nguồn gốc tạo nên dân chủ cho công dân, công bằng cho xã hội, thịnh vượng cho người dân và văn minh cho quốc gia dân tộc.

    Không có lúc nào tốt hơn lúc này, không có cách nào tốt hơn cách này để chúng ta giành lại quyền con người của mình đã bị cường quyền tước đoạt nghiêm trọng bao lâu nay. Nếu chúng ta không cùng nhau và quyết liệt đấu tranh để có được tự do, nhân phẩm và thịnh vượng cho mình thì sẽ mãi là những người lệ thuộc, bị trị bất chấp mọi nỗ lực mang đến sự tốt đẹp cho chúng ta từ những người khác, cho dù đó là những lãnh đạo tốt ở bộ máy nhà nước hay cả cộng đồng quốc tế đi nữa. Chúng ta phải tự quyết định vận mệnh của mình thì chúng ta mới thực sự là những người làm chủ đất nước. Chỉ khi đó cuộc sống của chúng ta mới tốt đẹp, tương lai con cháu của chúng ta mới xán lạn và nhờ vậy mà tiền đồ đất nước mới ngẩng mặt lên được mà thôi.

    Chúng ta không cần bạo lực, không cần sức mạnh cơ bắp và vũ khí cho cuộc đấu tranh này. Điều duy nhất chúng ta cần là sự TỰ TIN sử dụng tất cả các quyền con người vốn thuộc về chúng ta để tự do bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, yêu cầu của mình; tự do hội họp, biểu tình và tự do gia nhập hội, nhóm công đoàn hay thành lập bất kì hội, đoàn nào để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi của chúng ta mà không phải đợi ai cho phép cả. Hãy nhớ rằng trong một Nhà nước pháp quyền thì không ai hay tổ chức nào được quyền cho phép các quyền này cho ai cả. Chúng ta phải đòi hỏi đến cùng khi bị thiếu vắng các quyền này và phản ứng quyết liệt khi chúng bị xâm phạm. Sự xâm phạm đó chính là cường quyền mà phương pháp và sức mạnh duy nhất của nó là tạo ra nỗi SỢ HÃI để lấy mất đi sự tự tin của chúng ta. Nhưng chỉ cần chúng ta hiểu biết thì nỗi sợ hãi này sẽ tan biến cùng với sự tự động  tan rã nhanh chóng của cường quyền mà không có bất kì sức mạnh nào có thể chống đỡ được cho nó cả. Đó là lúc tự tin thay chỗ sợ hãi. Mà sự hiểu biết này thực ra rất đơn giản: Nhà nước Việt Nam đã được Hiến định là nhà nước pháp quyền  và đã cam kết long trọng tại hai Công ước Quốc tế là phải bảo vệ cho người dân Việt Nam thực hiện đầy đủ, trọn vẹn tất cả các quyền con người đã được quy định bởi Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên Hợp Quốc và được áp dụng như nhau cho tất cả mọi quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc. Theo những nguyên tắc như vậy thì người dân Việt Nam có quyền sử dụng ngay tất cả các quyền con người đã được Hiến định thành các quyền công dân trong Hiến pháp hiện hành mà không cần chờ luật hay bộ luật nào cho phép cả.

    Một khi những nguyên tắc này được thực thi thì cường quyền sẽ không còn đất sống nên nó đã lạm quyền – xâm phạm cả Pháp luật Việt Nam lẫn quốc tế – để bắt tù tội những người dám tự tin sử dụng quyền con người của họ. Nhưng không có nhà tù nào có thể nhốt hết chúng ta ngoại trừ duy nhất sự sợ hãi của chính chúng ta mới có thể giam hãm được tất cả chúng ta trong sự yếu hèn và khổ nhục. Những ngày tù của hôm nay sẽ là vinh quang của ngày mai đang đến rất gần. Nhà tù không có gì ghê gớm cả, đó là nơi rất hữu hiệu để chúng ta rèn luyện bản lĩnh và xây dựng uy tín của mình để phá bỏ cường quyền.

    Đứng thẳng người giữa phiên tòa phúc thẩm, khi được khéo léo gợi ý nếu nhận tội “lật đổ chính quyền nhân dân” thì sẽ được giảm bớt bản án 16 năm mà phiên tòa sơ thẩm đã dành cho Trần Huỳnh Duy Thức, anh đã nói rằng: “Tôi không có tội lật đổ chính quyền gì cả. Tôi chỉ chống lại cường quyền và tôi sẽ còn chống nó đến khi tôi còn thấy nó.”

    Đúng, chúng ta không cần chống hay lật đổ chính quyền nào cả vì nếu không triệt tiêu tận gốc căn nguyên của cường quyền thì mọi sự thay đổi chỉ là “bình mới rượu cũ” cho dù có hàng trăm đảng phái chính trị hoạt động đi nữa. Đó là những gì đã vẫn diễn ra ở nhiều nước châu Phi nghèo đói và lạc hậu. Mà chúng ta cần phải thay đổi chính mình, đấu tranh vì quyền con người, tự do và nhân phẩm cho chính mình chứ không phải vì bất kì chủ thuyết tư tưởng chủ nghĩa nào của bất kì ai cả. Đó là cuộc cách mạng suy tưởng giúp chúng ta thay đổi đúng đắn nhận thức của mình để ý thức được quyền của một con người tự do và quyền của một người làm chủ đất nước của chúng ta. Khi đó chúng ta sẽ tự tin sử dụng các quyền này – tức quyền con người – của mình. Và khi đó sự sợ hãi sẽ bị xua tan nên cường quyền sẽ không còn chỗ mà tồn tại. Sau đó chúng ta sẽ chứng kiến ngay những thay đổi thần kì như phép màu trong cuộc sống hiện tại của mình và tương lai con cháu.

    Hỡi Công dân Việt Nam!

    Phong trào Con đường Việt Nam sẽ đồng hành cùng với mọi người dân Việt Nam để đến được một ngày như thế. Con đường đó có thể sẽ phải đi qua những ngày tháng tù đày ngắn ngủi, phải đi đến tận Tòa án Công lý Quốc tế để bảo vệ pháp lý và chính nghĩa cho chúng ta, có phải đối mặt với bao nhiêu thử thách gian nan đi nữa thì chúng ta sẽ vẫn nhanh chóng về đích: đất nước Việt Nam sẽ dân chủ, người dân Việt Nam sẽ thịnh vượng và dân tộc Việt Nam sẽ ngẩng cao đầu vì nền văn minh Lạc Hồng và sự đóng góp của chúng ta cho hòa bình của nhân loại.

    Chỉ cần nói lên nguyện vọng, đưa ra yêu cầu của chúng ta thì Phong trào Con đường Việt Nam  sẽ kết tinh điều này thành ý chí của nhân dân chúng ta bằng bản Hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới. Rồi chúng ta sẽ cùng nhau lên  tiếng mạnh mẽ đòi hỏi nhà nước phải thực hiện ý chí này của chúng ta để biến nó thành một mệnh lệnh thiêng liêng của đất nước.

    Rất mong nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ tiếp theo của nhân dân.

    Trân trọng kính chào.

Phong trào Con đường Việt Nam

Đã công bố ngày: 15/06/2012


BỐN HIẾN NGUYỆN ĐỀ NGHỊ  CHO
HIẾN CHƯƠNG CHẤN HƯNG VIỆT NAM VÌ HÒA BÌNH THẾ GIỚI

(Bản dự thảo, chưa công bố chính thức. Xin góp ý)

    Thưa nhân dân !
Phong trào con đường Việt Nam vừa ra lời kêu gọi xây dựng hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới. Tôi xin đưa ra một số nét chính của Hiến chương mà anh Trần Huỳnh Duy Thức, anh Lê Công Định và tôi Lê Thăng Long đã trao đổi với nhau vào tháng 07 và tháng 08 năm 2010 (lúc còn ở cùng nhau tại Trại giam Xuân Lộc – Đồng Nai ). Tuy nhiên cũng xin nói rõ rằng đây là những ý kiến của những người khởi xướng phong trào Con đường Việt Nam nên hoàn toàn có thể được thay đổi bởi những ý kiến khác của số đông.
Hiến chương này nên bao gồm 04 hiến nguyện chính: Quyền con người, Hòa hợp dân tộc, Sách lược phát triển quốc gia, Yêu cầu sửa đổi Hiến pháp.

    Hiến nguyện thứ nhất : QUYỀN CON NGƯỜI

   Hiến chương sẽ không chỉ đưa ra những yêu cầu đối với hiến pháp, luật và hệ thống cộng quyền của đất nước VIệt Nam phải bảo vệ trên hết và bình đẳng tất  cả các quyền con người cho mỗi, từng công dân Việt Nam một cách hiệu quả và thực tế, mà còn vận động nhân dân tự tin sử dụng các quyền đó và kêu gọi những người có khả năng giúp đỡ và bảo vệ những người yếm thế trong việc sử dụng quyền con người của mình bị xâm phạm. Hiến nguyện này cũng có thể gồm những cách thức khác mà chúng ta thấy là tốt nhất để đạt được mục tiêu tối thượng này.

    Hiến nguyện thứ hai : HÒA HỢP DÂN TỘC

    Đất nước ta trải qua rất nhiều năm chiến tranh và chia cắt: hàng trăm năm Trịnh – Nguyễn phân tranh, gần trăm năm tam kì Bắc – Trung – Nam thời Pháp thuộc, rồi vĩ tuyến 17 đến 30/04/1975, đến thuyền nhân tị nạn và bao nhiêu là vấn đề chia rẻ liên quan đến tư tưởng chủ nghĩa… Gần 40 năm đã trôi qua, vết thương đã lành rất nhiều nhưng sự hòa hợp dân tộc không những vẫn chưa thực sự trở thành sức mạnh quốc gia mà còn đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa. Chúng ta cần phân tích để nhận rõ căn nguyên của những vấn đề này, từ đó đưa ra những yêu cầu để giải quyết chúng hiệu quả nhằm có được sức mạnh hòa hợp dân tộc to lớn cho đất nước. Theo cách nhìn của chúng tôi thì có 3 nhóm vấn đề chính sau :

  1. Thiếu nền tảng chính trị chung hòa hợp cho mọi tầng lớp nhân dân và tôn giáo; tranh chấp và áp đặt ý thức hệ dẫn đến những xung đột bất đồng chính kiến và tù nhân chính trị, tôn giáo; không thực tâm tôn trọng sự khác biệt với mình của đảng cộng sản Việt Nam là những vấn đề đòi hỏi phải có giải pháp khẩn cấp mà nếu sớm được giải quyết sẽ tạo ra một sự đột phá lớn giúp tập hợp sức mạnh khổng lồ của quốc gia.
  2. Cần nhìn nhận lại vấn đề tôn trọng và tôn vinh những người lính Việt Nam Cộng hòa đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh Việt Nam, không chỉ là những người đã chiến đấu và hi sinh để bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 mà là tất cả những ai đã mãi mãi nằm lại trên đất mẹ trong cuộc chiến này. Được – mất thì lịch sử đã đủ thời gian để đánh giá nên hãy thực sự kết thúc cuộc chiến đó để dân tộc chúng ta cùng nắm tay nhau tiến về phía trước. Từ tháng 03/2006’, anh Thức đã viết một bức thư cho ông Nguyễn Minh Triết (nguyên Chủ tịch nước) nói về hòa hợp dân tộc, trong đó có đoạn: “Cần có quốc sách cho việc đoàn kết toàn dân tộc. Trước hết cần phải kết thúc tận gốc cuộc chiến đã chấm dứt hơn 30 năm rồi, hãy chăm lo tâm linh cho những người đã ngã xuống bên kia chiến tuyến bằng cách hãy cho phép xây lại các đài tử sĩ của những người lính Việt Nam Cộng hòa. Làm được như vậy ta sẽ xóa bỏ những khoảng cách hằn thù còn lại giữa người Việt trong nước và ngoài nước, … hoàn toàn hợp với đạo lý, đạo đời của người dân Việt.“. Vào tháng 07/2007’ ông Nguyễn Minh Triết đã có một tuyên bố ấn tượng tại Mỹ rằng sẽ dân sự hóa nghĩa trang nói trên và tạo điều kiện để tu sửa lại nó. Đã 05 năm trôi qua nhưng điều này vẫn chưa thành hiện thực.
  3. Nạn tham nhũng tràn lan ăn sâu vào mọi ngõ ngách của cuộc sống chắc chắn cũng gây một nỗi oán hận nặng nề trong lòng người dân. Những quyết tâm chống tham nhũng chẳng mang lại kết quả gì mà còn làm cho lòng dân thêm oán thán. Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này bằng một cái nhìn đột phá để không những sẽ giải quyết căn cơ được vấn nạn này mà còn tạo ra một sự hòa hợp và nguồn lực lớn để phát triển đất nước. Cũng trong bức thư nói trên anh Thức đã viết như sau: “Cần có quốc sách hữu hiệu chống tham nhũng. Các biện pháp như hiện nay chắc chắn sẽ không mang lại kết quả gì đáng kể. Hãy ân xá và cho phép họ hoàn lương, đưa tiền của vào làm ăn từ nay về sau một cách chính đáng để phát triển đất nước; phù hợp với quốc sách đảng viên được làm kinh tế. Những hành động tham nhũng sau sự ân xá này phải được trừng trị một cách nghiêm khắc; đương nhiên nó là phải đi kèm với nhiều biện pháp đồng bộ khác thì mới phát huy được tác dụng. Làm được điều này chúng ta sẽ sẽ giảm đáng kể động lực chống đối của những kẻ cơ hội đồng thời sẽ huy động được một lượng tiền rất rất lớn đầu tư vào nền kinh tế… Tôi tin rằng đa số người dân cũng sẽ có cùng phản ứng tích cực như tôi khi hiểu ra ý nghĩa sâu xa của nó. Xét cho cùng tham nhũng trước đây cũng là một vấn đề lịch sử cần gác lại để tập trung triệt hạ nó từ đó về sau.”  Cách nhìn ấy thật độc đáo và đáng suy ngẫm.

Hiến nguyện thứ ba : SÁCH LƯỢC PHÁT TRIỂN QUỐC GIA

Chúng ta cần nhận rõ những giá trị vốn có và lợi thế tự nhiên của dân tộc để đưa ra sách lược phù hợp để có thể tận dụng chúng cho sự phát triển nhanh chóng của mỗi người dân và đất nước. Tháng 08/2011, trong Trại giam Xuân Lộc anh Thức đã viết những câu hỏi gợi mở để suy tường về hai vấn đề này như sau:

  • Những đặc tính từ bản sắc văn hóa nào của dân tộc Lạc Hồng mang tính phổ biến và có thể phát huy thành lợi thế trong một thế giới toàn cầu hóa được vận hành theo những quy luật khách quan như trên. Và để có được những cơ hội từ lợi thế như vậy, chúng ta phải trước hết vượt qua được những nguy cơ gì? Tương tự như vậy, lợi thế từ vị trí địa lý và bối cảnh toàn cầu của đất nước Việt Nam là gì? Nguy cơ và cơ hội tương ứng từ những vấn đề địa chính trị đó như thế nào?
  • Chiến lược phát triển đất nước như thế nào để có thể tạo động lực cho đa số dân chúng hướng đến nó và phát huy những lợi thế nêu trên từ khả năng của từng người để tạo ra sức mạnh của mỗi người và hợp thành sức mạnh của dân tộc, quốc gia? Chiến lược này sẽ đồng thời thúc đẩy những trào lưu vì hòa bình thế giới ra sao?
  • Chiến lược đó sẽ dẫn đến những đòi hỏi gì đối với mục tiêu tăng trưởng của đất nước; đối với các chuẩn tắc vĩ mô; đối với nguồn nhân lực; và đối với cơ sở hạ tầng quốc gia. Từ đó mới thấy rõ nhu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng như thế nào một cách chiến lược.
  • Chiến lược và những nhu cầu đòi hỏi trên sẽ xác định các sách lược cho 5 lĩnh vực cần tập trung cải cách là: kinh tế, giáo dục, cải cách pháp luật, biển Đông (chiến lược tổng thể về biển và quốc phòng biển đảo), Tây nguyên (nói chung là chính sách cho vùng cao và dân tộc ít người). Và những sách lược này làm sao để vừa có thể giải quyết được ngay những vấn đề cấp bách để vượt qua nhanh chóng thách thức khủng hoảng hiện nay, vừa đảm bảo sự phát triển ổn định lâu dài (bền vững). Đây có phải là 5 lĩnh vực thực sự cần tập trung một cách chiến lược vì chúng sẽ tạo ra sự lan tỏa nhanh chóng và tích cực đến những lĩnh vực khác hay không, và có cần thêm bớt hoặc thay thế những lĩnh vực này để có được sự tối ưu không?
  • Những điều kiện gì cần thiết để những sách lược trên sẽ được triển khai một cách hiệu quả nhất: không  phải chỉ bởi nhà nước mà phải có sự tham gia rộng rãi của quần chúng; ít tốn nguồn lực vật chất nhất; đạt kết quả tốt trong thời gian ngắn nhất.
  • Để đạt được những thành tựu mong muốn như trên, người dân cần làm gì để tạo dựng lợi ích cho mình mà qua đó xây dựng, phát triển đất nước tốt đẹp; nhà nước  cần quản lý đất nước như thế nào?
  • Những câu hỏi khác có thể gợi mở suy tưởng của mọi người về những vấn đề của đất nước một cách tích cực.

Hiến nguyện thứ tư : YÊU CẦU SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

    Từ những vấn đề và yêu cầu của ba hiến nguyện trên, những gì thuộc phạm vi của hiến pháp thì chúng ta sẽ tổng hợp lại thành những yêu cầu bắt buộc đối với một bản Hiến pháp của Việt Nam. Trong đó chúng ta dứt khoát phải yêu cầu Hiến pháp phải được phúc quyết bởi nhân dân, trực tiếp và đích thân bởi mỗi công dân chứ không qua bất kì đại diện nào trong cuộc trưng cầu dân ý. Chúng ta cũng hãy nói rõ ý muốn của mình về cách thức quản lý đất đai vốn đang gây ra quá nhiều bức xúc của nhân dân.

    Về những biện pháp để bảo vệ và duy trì hòa bình thế giới, hẹn quý vị trong một tham luận khác.

    Rất mong nhận được ý kiến yêu cầu và đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân để chúng ta cùng nhau xây dựng được một bản Hiến chương nói lên được những nguyện vọng của mình và yêu cầu để thực hiện bằng được chúng. Một lần nữa xin được lưu ý rằng bản Hiến chương này không phải là của phong trào Con đường Việt Nam mà là của mọi người dân tham gia đưa ra yêu cầu, đóng góp ý kiến và ủng hộ nó. Phong trào Con đường Việt Nam chỉ khởi xướng, vận động tích cực cho nó đồng thời tham gia xây dựng nó cũng như tất cả mọi người dân khác.
Xin gửi lời chúc sức khỏe và thành công đến mọi người.

Ngày …. tháng ….. năm 2012

LÊ THĂNG LONG
Người khởi xướng phong trào Con đường Việt Nam

“Ý kiến góp ý xin gửi đến email: tpvn.email@gmail.comcdvn.email@gmail.com

PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM

Việt Nam, ngày     tháng       năm 2012,

ĐẠO PHẬT VỚI TỰ TIN, TỰ DO, NHÂN PHẨM  VÀ CÔNG BẰNG

(Bản dự thảo, chưa công bố chính thức. Xin góp ý)

    Thưa đồng bào Phật tử!
Đức Phật được gọi là Như Lai, vì Ngài đến từ Chân Như – sự tự thân màu nhiệm của vạn pháp. Nói cách khác, Ngài xuất hiện để chỉ cho chúng sinh hiểu biết về sự kỳ diệu của cuộc sống khi con người có được tự do, thoát khỏi sự nô lệ cho u minh của chính mình. Ngài cũng nói rằng tự tin là tài sản quý nhất của con người. Và Ngài còn được xem là người sớm nhất trong thời đại xa xưa đó đã bảo vệ sự công bằng cho những người ở tầng lớp thấp nhất trong một xã hội mà sự coi trọng đẳng cấp quý tộc và chà đạp tầng lớp nghèo hèn là chuyện rất bình thường. Để bảo vệ cho một người hốt phân tham gia vào tăng đoàn của mình Ngài đã nói : “Tất cả mọi chúng sinh đều bình đẳng. Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn, tất cả chúng ta đều là con người. Ta phải tìm cách để mọi người có cơ hội đồng đều và vươn tới và thực hiện hoài bão của mình cũng như hoàn thành nhân phẩm của mình”.
Từ hơn 2500 năm trước, Đức Phật đã chỉ ra những giá trị bất biến mà ngày nay loài người đã thừa nhận là phổ quát và không thể thiếu để xây dựng được một thế giới đại đồng, bác ái – nơi mà quyền con người và nhân phẩm được tôn trọng cho từng cá nhân để họ có thể mưu cầu hạnh phúc cho mình, nhờ vậy mà tạo ra sự tốt đẹp cho xã hội. Ngài đã cho thấy rằng dù xuất thân, địa vị, màu da và hoàn cảnh khác nhau nhưng ai cũng có quyền tự do như nhau để xây dựng nhân phẩm cho mình và nhờ đó xây dựng được một thế giới như vậy. Và muốn có sự tự do thì con người phải tự tin vào chính bản thân mình, tức là sự tự thân mà khi đạt được thì những sự thay đổi tốt đẹp như một phép màu sẽ đến với họ. Đó chính là Chân Như – là nguồn gốc của sự tốt đẹp kỳ diệu của cuộc sống mà con người có thể đạt được bởi chính mình bằng cách vượt qua được u minh và sợ hãi để có được bát nhã nhằm nhận thức đúng vạn pháp xung quanh ta.
Đó cũng chính là một quy luật của vũ trụ mà nhân loại giờ đây đã chứng nghiệm được và áp dụng nó để xây dựng nên những xã hội tốt đẹp gần với Niết bàn nhất. Ở đâu mà chúng sinh tự tin sử dụng đầy đủ quyền con người của mình thì họ sẽ có tự do và làm cho xã hội dân chủ và công bằng, chỉ khi đó loài người mới thịnh vượng và văn minh, mới đối xử với nhau từ bi và bác ái được. Ngược lại, nơi nào mà sợ hãi và vô minh bao trùm thì chúng sinh tự biến mình thành nô lệ cho những mầm khổ mà Phật đã chỉ ra, từ đó lệ thuộc vào cường quyền, tạo ra nhũng nhiễu bất công rồi dẫn đến nghèo hèn và lạc hậu. Khi đó thì lòng từ bi, hỷ xả lại trở thành một sự chịu đựng tiêu cực để tránh né đối mặt với những bể khổ cuộc đời vẫn đang tồn tại, thay vì phải diệt trừ tận gốc chúng như cách mà Phật chỉ dạy. Do vậy Ngài mới khẳng định rằng Tự tin là tàn sản quý nhất của con người.
Những triết lý trên đã góp phần ra đời Phong trào Con đường Việt Nam với mục tiêu tối thượng là “Quyền con người phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng trên đất nước ta”. Đó là các quyền tuyệt đối giống nhau cho mỗi người để ai cũng được sống, được an toàn và tự do tư tưởng để theo đuổi các giá trị vật chất lẫn tinh thần của mình. Tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng rất cần và không thể thiếu một môi trường như vậy để phát triển nhằm tạo nên sự tốt đẹp cho cuộc sống, lợi lạc cho chúng sinh.
Theo tinh thần như thế Phong trào Con đường Việt Nam kêu gọi đồng bào Phật tử hưởng ứng Phong trào  này và Hiến chương chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới. Chúng ta hãy tự tin sử dụng quyền tự do của mình như lời Phật dạy để đòi hỏi cho được một môi trường như trên. Chúng ta hãy suy tưởng bằng chánh niệm để nhìn rõ được những vấn đề trong cuộc sống đang gây ra khổ nạn cho chúng sinh để đưa ra những yêu cầu trong bản Hiến chương này nhằm giải quyết tận gốc các khổ nạn đó theo giáo lý của Phật.
Giáo lý đó đã thấm sâu vào con người của Trần Huỳnh Duy Thức, pháp danh Phúc Trí – là người khởi xướng đầu tiên của Phong trào Con đường Việt Nam. Trong tù, hồi tháng 01/2011 anh đã làm một bài thơ:

Biển vĩnh cửu bình yên và hạnh phúc
Trải từ bi chứa nhận mọi bão giông
Không chấp ngã không oán thù sân hận
Những tháng ngày sóng dữ phá bình yên

Sóng sinh diệt như luân hồi nhân quả
Sóng vô thường biển vẫn mãi màu xanh
Phẳng lặng bao la trải lòng vô ngã
Ánh biếc bầu trời bát nhã mênh mông

Cũng chính nhờ tinh thần như trên mà những người khởi xướng Phong trào đã vượt qua được những thử thách nghiệt ngã để tiếp tục Con đường tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam .
Rất mong nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ nhiệt thành của đồng bào Phật tử.
Kính chào trân trọng.

Phong trào Con đường Việt Nam,
Xem Lời phát động phong trào Con đường Việt Nam tại đây.

“Ý kiến góp ý xin gửi đến email: tpvn.email@gmail.comcdvn.email@gmail.com

Phong trào Con đường Việt Nam

Ngày …..tháng…..năm 2012,

CÔNG NHÂN VÀ QUYỀN TỰ DO LẬP CÔNG ĐOÀN

(Bản dự thảo, chưa công bố chính thức. Xin góp ý)

    Thưa các  bạn công nhân!
Đã có một thời quan niệm “đấu tranh giai cấp là động lực của sự phát triển” đã bị biến thành những cuộc cách mạng bạo lực để đánh đổ giới chủ tư bản được cho là giai cấp thống trị để giành lấy quyền lãnh đạo cho giai cấp công nhân được cho là lực lượng cầm quyền tất yếu theo sự phát triển của lịch sử. Nhưng nếu các cuộc cách mạng đẫm máu đó đã đạt được mục đích đánh đổ nhờ khích động động lực hận thù giai cấp ở một số nước thì mục tiêu làm cho những người công nhân trở thành một giai cấp lãnh đạo cầm quyền chưa bao giờ là một thực tế ở các nước đó. Mà ngược lại, thật trớ trêu là cuộc sống của họ ở những nơi này lại là những cảnh đời khó khăn, bấp bênh, bất định nhất, trái ngược hẳn với nhưng người cùng nghề nghiệp với mình ở những nước không diễn ra những cuộc cách mạng giai cấp như trên.
Với cùng một lý tưởng của chủ nghĩa Mác muốn nâng cao điều kiện sống và vai trò chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cho những người công nhân, nhưng trường phái dân chủ xã hội đã đưa những nước Bắc Âu như Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan… trở thành các quốc gia phát triển tốt đẹp nhất hành tinh này bằng cách tạo ra các quyền và điều kiện công bằng cho những người công nhân có thể tự vươn lên trong xã hội nhờ vào nổ lực nâng cao năng lực của mình, chứ không phải bằng sự đánh đổ năng lực của người khác. Ở những nơi đó các quyền con người của họ cũng như của tất cả mọi người dân khác được bảo vệ trên hết và bình đẳng để họ có thể bảo vệ được cho mình chống lại mọi sự xâm phạm, chà đạp, bóc lột của những kẻ quyền thế ở cả bộ máy nhà nước lẫn doanh nghiệp. Đó chính là cách hiểu đúng đắn của khái niệm “đấu tranh giai cấp” mà nhờ đó đã tạo ra những động lực lành mạnh trong lực lượng lao động để họ phấn đấu vươn lên khẳng định mình trong xã hội. Nhờ vậy mà xã hội phát triển tốt đẹp mà ở đó có không ít những người từng thực sự xuất thân từ công nhân đã vươn lên có đủ tri thức và năng lực để được người dân bầu làm người lãnh đạo điều hành đất nước cho họ.
Trong xã hội như vậy, ai cũng có được những cơ hội như thế – những cơ hội công bằng cho tất cả mọi người mà không phân biệt xuất thân, thành phần, màu da, quan điểm chính trị, v.v… của họ. Chỉ có lúc đó thì những người xuất thân từ những thành phần như công nhân hay các nhóm sắc tộc thiểu số mới có thể nổ lực nâng cao vai trò chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mình và đạt được thành công. Ngược lại, thì sự cầm quyền sẽ luôn là đặc quyền của những người thượng lưu, những nhóm lợi ích nhỏ hay tệ hơn nữa là những đảng chính trị cho mình là đại diện tất yếu của giai cấp công nhân. Tuy rằng lịch sử đã cho thấy sự tất yếu đó là đương nhiên sụp đổ và tan rã như các nước Đông Âu và Liên Xô, những nơi đã đi theo trường phái dùng bạo lực chuyên chính vô sản của Lê-nin để thực hiện chủ nghĩa Mác, nhưng nó vẫn tiếp tục là “nguyên tắc tất yếu” ở nước ta, gây bế tắc cho quá trình phát triển của đất nước và cản trở cơ hội vươn lên trong chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của những người công nhân Việt Nam.
Không ai hay tổ chức nào có quyền đại diện cho giai cấp công nhân chúng ta chỉ bằng sự tuyên bố hoặc lý luận học thuyết hay cái tên của họ cho dù lý tưởng của họ có tốt và muốn vì công nhân đi nữa. Họ phải chứng minh những lý tưởng đó trở thành những giá trị thực tế đáp ứng được nguyện vọng và yêu cầu cho cuộc sống hàng ngày và tương lai của những người công nhân để thuyết phục chúng ta. Khi thấy thỏa mãn với kết quả của họ thì chúng ta sẽ bỏ phiếu trao quyền đại diện cho họ, nếu không thì họ sẽ phải tiếp tục lắng nghe những đòi hỏi của công nhân để có thể tạo ra kết quả tốt hơn nhằm có được những lá phiếu đó. Chỉ như vậy thì cuộc sống của những người công nhân mới ngày càng tốt hơn, tương lai chúng ta và con cháu mới nhìn thấy được tiền đồ. Muốn được như vậy thì dứt khoát là Quyền con người của chúng ta phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng. Đó không chỉ là quyền được sống, được ăn mặc, được làm việc mà còn là quyền được tự do và an toàn cá nhân để đưa ra yêu cầu của mình và thực hiện các biện pháp nhằm làm cho các yêu cầu đó phải được đáp ứng. Muốn vậy thì người công nhân không chỉ có quyền đình công mà còn phải được đảm bảo để tự do lập ra hoặc lựa chọn công đoàn theo ý muốn của riêng mình, chứ không phải theo một sự áp đặt bằng duy nhất một lựa chọn và phải chọn nó mà cũng không có quyền tối thiểu là được từ chối nó như chúng ta đang phải chịu đựng hiện nay.
Công nhân chúng ta cần biết rằng điều 8 của Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Văn hóa và Xã hội của Liên Hợp Quốc ghi rõ: “Các Nhà nước thành viên của Công ước cam kết đảm bảo: Quyền của từng mỗi người được thành lập các công đoàn và tham gia công đoàn mà mình lựa chọn, mà sự lựa chọn này chỉ tùy thuộc duy nhất vào các nguyên tắc của tổ chức mà mình quan tâm, để thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích kinh tế và xã hội của mình”. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký gia nhập trở thành thành viên của Công ước này từ năm 1982. Thế nhưng từ đó đến nay không những không có bất cứ công đoàn nào được hoạt động ngoại trừ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, mà hầu hết những người dám mạnh dạn sử dụng các quyền nói trên để đấu tranh bảo vệ cho quyền lợi của người công nhân đều bị bắt và kết tội phá rối an ninh, xâm phạm an ninh quốc gia. Thực chất đây là những hành động vi hiến và vi phạm cả luật pháp quốc tế của những người ở bộ máy công quyền, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của những người công nhân chúng ta. Điều 8 nói trên của Công ước này ghi tiếp: “Không có bất cứ hạn chế nào có thể được áp đặt lên việc sử dụng các quyền này khác với những điều đã được kê rõ trong luật và những điều đó là cần thiết trong một xã hội dân chủ vì các lợi ích về anh ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng hoặc để bảo vệ các quyền và sự tự do cho người khác”.
Quốc hội Việt Nam chưa ban hành một luật nào xác định phạm vi hạn chế quyền thành lập công đoàn và tự do gia nhập các công đoàn cả. Nếu nói rằng Quốc hội Việt Nam là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí của cả nhân dân Việt Nam thì việc chưa ban hành một luật hạn chế như nói trên chính là sự thể hiện rằng đa số người dân thấy không cần có những sự hạn chế  như thế vì việc sử dụng quyền tự do lập và tham gia công đoàn chẳng có phương hại gì đến an ninh quốc gia cả. Thế nhưng sự tùy tiện trong việc thực thi pháp luật của rất nhiều người của các cơ quan công quyền đã tước đoạt hoàn toàn quyền này của công nhân chúng ta. Trong khi đây là một trong các quyền con người thiêng liêng và bất khả xâm phạm được Liên Hợp Quốc và Hiến pháp Việt Nam bảo vệ. Nếu chúng ta không quyết tâm đấu tranh để giành lại và bảo vệ quyền này nói riêng và tất cả các quyền con người nói chung cho mình thì chúng ta sẽ mãi là những người lệ thuộc, bị trị.
Hưởng ứng Phong trào Con đường Việt Nam  và Hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới là cách đơn giản nhưng hiệu quả nhất để chúng ta làm được như vậy, để chúng ta thực sự tự do, làm chủ vận mệnh của mình và đất nước, để chúng ta có quyền đình công và gia nhập hay thành lập bất kỳ công đoàn nào mà chúng ta muốn để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và làm cho tương lai con cháu được tốt đẹp.

    Trân trọng kính chào.

   Phong trào Con đường Việt  Nam,

    Xem lời phát động Phong trào Con đường Việt Nam tại đây.

“Ý kiến góp ý xin gửi đến email: tpvn.email@gmail.comcdvn.email@gmail.com