"Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh" hay: "Hiểu biết để Tự tin để Làm giàu cuộc sống"

Phong trào Con đường Việt Nam

VẤN ĐỀ ĐẤT ĐAI VÀ QUYỀN CON NGƯỜI

(Bản dự thảo, chưa công bố chính thức. Xin góp ý)

Thưa bà con cô bác!

Khiếu kiện đất đai là vấn đề nhức nhối của người dân hàng chục năm qua nhưng chưa bao giờ có những câu chuyện về cưỡng chế thu hồi đất đai lại quá nóng bỏng và gây nhiều bức xúc, tổn thương cho nhân dân chúng ta như thời gian gần đây. Nhưng đó vẫn chưa phải là những hậu quả đỉnh điểm của một quá trình vừa trái quy luật và mất lòng dân, vừa phạm pháp vừa phi nhân chủ trong quản lý đất đai. Những vụ Đoàn Văn Vương, Văn Giang, Vụ Bản chỉ mới là những biểu hiện bùng phát ban đầu của một chuỗi các vụ bùng nổ kinh hoàng sẽ liên tiếp diễn ra theo một quy luật tất yếu tức nước vỡ bờ. Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền Con người đã thừa nhận quy luật này như sau: “Nếu không muốn con người buộc phải nổi dậy như một biện pháp cuối cùng để chống lại cường quyền và áp bức thì các quyền con người cần được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền.”

Một trong các quyền con người mà Tuyên ngôn này của Liên Hợp Quốc thừa nhận và bảo vệ là quyền sở hữu tại điều 17: “(1) Mỗi người đều có quyền sỡ hữu tài sản của riêng mình hoặc chung với người khác. (2) Không ai bị tước đoạt tài sản một cách tùy tiện.” Những nguyên tắc này đã được cụ thể hoá thành những điều khoản trong 2 công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hoá quy định trách nhiệm của các nhà nước tham gia 2 công ước này phải bảo vệ cho người dân của mình thực hiện đầy đủ các quyền con người. Việt Nam đã tham gia 2 công ước đó từ năm 1982. Tuy nhiên thực tế việc thực thi pháp luật ở đất nước ta đã không đảm bảo được những trách nhiệm như vậy của nhà nước, gây ra rất nhiều những vấn đề và hệ lụy không chỉ trong lĩnh vực đất đai mà trong hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống.Dù các vấn đề và hệ lụy này rất phức tạp và thiên hình vạn trạng nhưng chúng đều có chung căn nguyên là các quyền con người không được tôn trọng thiêng liêng, bảo vệ trên hết và bình đẳng cho mọi người dân chúng ta trong hầu hết các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nếu các quyền sở hữu đất đai của chúng ta được tôn trọng và bảo vệ theo đúng tinh thần như thế thì sẽ không có sự nhân danh vì “lợi ích chung” nào có thể buộc chúng ta phải từ bỏ mảnh đất thiêng liêng của mình cho những mục đích mà mình không tin tưởng hay đơn giản là mình không muốn. “Không ai bị tước đoạt tài sản một cách tùy tiện” có nghĩa rằng từng mỗi người sở hữu phải được thuyết phục để người đó đồng ý chuyển nhượng quyền sở hữu của mình. Nguyên tắc này không cho phép đa số thắng thiểu số, lại càng không thể là những quyết định hành chính áp đặt lên lên quyền sở hữu cá nhân.

Vấn đề đất đai còn liên quan đến quyền chính trị, kinh tế trong các quyền con người mà Hiến pháp Việt Nam đã Hiến định thành các quyền công dân. Nhà Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng được Hiến định là nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Như vậy ngoài trách nhiệm của nhà nước phải bảo vệ cho chúng ta sử dụng các quyền con người của mình, chúng ta còn có toàn quyền yêu cầu nhà nước đó phải quản lý đất nước theo cách mà chúng ta muốn. Về đất đai cũng vậy, ngay cả khi chúng ta chấp nhận nguyên tắc sở hữu toàn dân đi nữa thì nó cũng phải là một khái niệm phải được luật hóa một cách cụ thể theo cách hiểu của đa số người dân chúng ta chứ không phải theo cách giải thích luật của những người ở bộ máy công quyền. Nếu chúng ta không đòi hỏi cho bằng được yêu cầu này đối với nhà nước trong việc thực thi pháp luật thì các quyền của chúng ta sẽ dễ dàng bị xâm phạm và tước đoạt cho dù có bao nhiêu bộ luật tốt đẹp đi nữa. Sự xâm phạm và tước đoạt đó chính là cường quyền – đối nghịch với dân chủ. Nó chỉ hoành hành không chỉ trong vấn đề đất đai mà còn trong hầu hết các công việc làm ăn sinh sống của người dân và cả nhân phẩm của họ. Thật đáng buồn là nó “nhân danh” Pháp luật. Do vậy muốn giải quyết tận gốc vấn đề đất đai nhức nhối lâu nay chúng ta phải làm sao để quyền con người của chúng ta phải được bảo vệ trên hết và bình đẳng trên đất nước Việt Nam . Đây chính là mục tiêu tối thượng của Phong trào Con đường Việt Nam.

Những vấn đề về đất đai đã nảy sinh từ hơn 20 năm qua, ngày càng gây tổn hại và bức xúc đối với người dân. Đến hiện nay vẫn chưa có biện pháp nào ngăn chặn được sự lan tràn ngày càng nghiêm trọng của nó, chứ đừng nói là giải quyết được ổn thỏa vấn đề. Với hàng trăm ngàn vụ khiếu kiện đất đai chỉ trong năm 2011 thì không có cách nào để có thể giải quyết đúng đắn được chúng. Nếu không có sự thay đổi hợp lý, hợp lòng dân về chính sách sở hữu và quản lý đất đai từ cấp hiến pháp và một nền tảng chính trị thực sự dân chủ để thực thi nghiêm túc chính sách này, thì những đòi hỏi của người dân đối với các vụ khiếu kiện đất đai không những không bao giờ có thể được đáp ứng thỏa đáng mà sẽ còn làm cho tình trạng này ngày càng tồi tệ. Do vậy Phong trào Con đường Việt Nam tin rằng xây dựng Hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới là dịp để chúng ta giải quyết căn cơ vấn đề này, bảo vệ được quyền lợi chính đáng của người dân về đất đai.

Chắc chắn rằng với một công sức bỏ ra ít hơn rất nhiều lần sự vất vả mà bà con đã vắt kiệt sức để khiếu kiện đòi đất đai của mình, việc hưởng ứng Phong trào Con đường Việt Nam và bản Hiến chương nói trên để đưa ra yêu cầu của người dân chúng ta đối với quyền con người của mình nói chung và vấn đề đất đai nói riêng sẽ giúp chúng ta không những giải quyết được những thiệt thòi của mình trong quá khứ mà còn tránh được nó trong tương lai.

Vì vậy Phong trào Con đường Việt Nam kêu gọi bà con cô bác hãy tích cực hưởng ứng việc hình thành nên bản Hiến chương Chấn hưng Việt Nam vì hòa bình thế giới như Lời kêu gọi dưới đây, và sau đó gửi nó đến Quốc hội để yêu cầu thực hiện và sửa đổi Hiến pháp.

Kính chào trân trọng,

Phong trào Con đường Việt Nam

Xem Lời phát động phong trào Con đường Việt Nam tại đây.

Xem LỜI KÊU GỌI CHẤN HƯNG VIỆT NAM VÌ HÒA BÌNH THẾ GIỚI tại đây.

“Ý kiến góp ý xin gửi đến email: tpvn.email@gmail.comcdvn.email@gmail.com

Bình luận về bài viết này